Hương vị tết quê

TƯỜNG QUÂN 04/02/2015 08:24

Năm nào cũng vậy, cứ qua rằm tháng Chạp là ở quê tôi đi đâu cũng thấy như đã vào xuân, ai cũng nô nức đón đợi sự khởi đầu mới với một năm an lành, sung túc. Năm nay, tôi đã thấy tết về trên những chiếc giần phơi đầy củ cải, củ kiệu của bà ngoại, thấy mấy chậu cúc của ông bắt đầu rung rinh chớm nụ dưới ánh nắng hanh hao gió…

Với tôi, những ngày sống cùng ông bà ngoại, cùng đón tết ở quê là những kỷ niệm đẹp nhất trong miền thơ ấu. Còn nhớ, năm nào tôi cũng lẽo đẽo theo ông ngoại đi kiếm thật nhiều củi. Ông nói cần phải chuẩn bị thật nhiều củi chắc để nấu bánh tét và đun nấu trong mấy ngày tết, bởi người ta cho rằng đầu năm mà bửa củi sẽ “động thổ”. Vậy là chỉ vài ba hôm củi đã được chất đầy sau chái bếp. Cứ độ hai tám, hai chín tết, tôi lại chờ đợi để được “tham gia” cùng ông bà ngoại gói bánh tét. Những ngày này trong xóm nhộn nhịp hẳn. Ở trong nhà cũng nghe được tiếng người đi chợ ngang qua ngõ bàn tán nhau về những món đồ sắm được. Bên hàng xóm râm ran tiếng người ta chia thịt heo ăn tết. Nhà ngoại tôi năm nào cũng chia được vài ký thịt. Với ngoại, khó khăn gì thì tết trong nhà cũng phải có được vài ký thịt để làm mâm cơm cúng tổ tiên, làm ít đòn bánh tét cho ra cái duyên của tết.

Còn nhớ năm nào tôi cũng nhận nhiệm vụ đi cắt lá chuối. Nhớ lần đầu, nhìn đống lá chuối già bị rách tả tơi do tôi kiếm về, ông cười bảo, từ năm nay con phải học để sau này còn biết gói bánh tết. Ngoại dặn, đừng nên chọn những tàu lá quá già cũng không quá rách vì như thế sẽ khó gói. Hóa ra gói bánh tét không đơn giản ngay cả từ khâu kiếm lá. Nhớ có năm gió bão nhiều, vườn chuối nhà ngoại bị quật rách tả tơi, năm đó ông phải lựa mãi mới có những tàu lá lành gói bánh. Những tàu lá được hơ trên ngọn lửa cho dai và mềm ngả sang màu sậm như những tấm vải được xếp ngay ngắn. Thau nếp trắng bà ngoại ngâm đã sẵn sàng cho công đoạn gói bánh. Tôi chăm chú dõi theo từng động tác của ông để học hỏi, thế nhưng bao nhiêu cái tết trôi qua mà tôi vẫn chưa thể tự gói nên đòn bánh tét của riêng mình. Nhìn cách ngoại sắp lá chuối gói bánh để khi nấu không bị nước ngấm vào đã khó khăn với tôi lắm rồi nên năm nào cũng đành nhìn ông làm và chờ đợi. Nhân bánh lúc nào cũng là mớ thịt có phần nhiều mỡ. Ngoại nói khi nấu bánh, thịt mỡ sẽ chảy ra thấm vào bánh, tạo vị béo và thơm quyện với đậu xanh được nêm ít muối, khi ăn sẽ rất đậm đà… Nhìn bàn tay đã chai sần sương gió vỗ vào đòn bánh cho nếp lèn chặt vào nhau, tự dưng thấy thương ngoại. Cuộc đời ngoại cứ lặng lẽ, tần tảo như vậy. Chỉ một thoáng tôi đã thấy khoảng mươi đòn bánh được xếp ngay ngắn, đẹp mắt. Từng vòng lạt vừa vặn đều nhau như khuôn. Vậy là chỉ còn cho vào nồi đun.

Đã lâu tôi không còn chạy theo lũ con nít chơi trò trốn tìm như mọi bận mà muốn ngồi bên bếp lửa nghe ông ngoại kể chuyện. Với tôi, mỗi năm chỉ chờ đến lúc được ngồi cùng ông chờ bánh tét chín cũng là chờ niềm vui đến từ những câu chuyện ông kể. Ông lúc nào cũng nhắc nhở tôi ý nghĩa mỗi năm tại sao ông lại làm bánh tét, bởi nó là hiện thân của một không khí sum vầy, không khí của sự đoàn tụ; đó là khi tôi biết mẹ sắp trở về sau những ngày làm việc xa quê, là những cuộc trở về cùng nhau quây quần bên bữa cơm có bánh tét, có dưa món dầm và có ngoại.

Tết với tôi là vậy. Hương tết là hương bánh, là hương của gia đình, của quê…

TƯỜNG QUÂN

TƯỜNG QUÂN