Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân
Trong mùa đông xuân và dịp Tết Ất Mùi 2015, điều kiện thời tiết, việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm gia tăng dẫn đến nguy cơ mắc cúm A/H7N9 là rất lớn. Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống cúm từ gia cầm lây sang người. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống và ngăn ngừa dịch cúm gia cầm lây lan sang người cũng như không để các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhập, Bộ Y tế đề nghị UBND chỉ đạo công tác rà soát các hoạt động phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị các ngành chức năng tăng cường phối hợp trong công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tối đa sự phát tán dịch bệnh trong mùa đông xuân.
Tiếp nhận công văn khẩn từ Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam cũng đã có chương trình tăng cường giám sát các chủng vi rút cúm tại cộng đồng trong thời gian trước tết. Đồng thời yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh sẵn sàng các biện pháp xử lý nếu phát hiện bệnh nhân có triệu chứng từ cúm gia cầm lây sang. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), diễn biến tình hình dịch cúm khá phức tạp và khó tiên đoán, khả năng lây nhiễm dịch cúm vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, đặc biệt là cúm A(H7N9), nếu không kiểm soát tốt gia cầm nhập lậu qua biên giới và tình trạng lây lan dịch bệnh từ gia cầm trong nước.
Cũng theo WHO, tháng 1.2015 tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có ba trường hợp tử vong. WHO cũng nhận định, năm 2015 có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) mới trên người.
Bộ Y tế cũng đã ban Kế hoạch hành động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) theo 4 tình huống dịch bệnh, bảo đảm việc đáp ứng phòng chống dịch một cách hiệu quả. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố kích hoạt khởi động toàn hệ thống vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch tới các địa phương. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) ở trên người và trên gia cầm. Virus cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.
TÂM AN