"Thăng Bình - 40 năm xây dựng và phát triển"
“Thăng Bình - 40 năm xây dựng và phát triển” là tựa cuốn sách sẽ được xuất bản nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thăng Bình (26.3.1975 - 26.3.2015).
Ông Phan Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình kiêm Trưởng ban Biên tập cuốn sách cho biết, tập sách sẽ phản ánh một cách toàn diện, khái quát những thành tựu to lớn mà Thăng Bình đã gặt hái trong 40 năm qua. Tập sách cũng sẽ giới thiệu đến đông đảo người dân và bạn đọc hình ảnh đất và người Thăng Bình, những tiềm năng, lợi thế để phát triển trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, hệ thống chính trị trong thời gian đến. Xuyên suốt tập sách là các bài viết tập trung vào các thành quả mà huyện đã đạt được trong hành trình 40 năm phát triển, trưởng thành. Cùng với đó là các bài hồi ký, ký sự, ghi chép, truyện ngắn, thơ, nhạc, ảnh nghệ thuật về Thăng Bình.
Trong bài viết với chủ đề tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Phan Công Vỹ, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đã khái quát sự phát triển của Thăng Bình trong vòng 40 năm qua. Về nông nghiệp, cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp của huyện đang dần chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đặc biệt, kinh tế trang trại được tạo điều kiện và có bước phát triển khá. Kinh tế trang trại phát triển đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Công tác trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng đạt được nhiều thành quả, diện tích đất lâm nghiệp đưa vào trồng rừng theo dự án ngày càng lớn, độ che phủ các đồi núi trọc ngày càng tăng. Cây cao su đại điền đang được triển khai đã trở thành một định hướng lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Giai đoạn 2000 - 2014, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về công nghiệp, từng bước phá thế thuần nông, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu. Công nghiệp Thăng Bình phát triển trên hầu hết lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá, ngói, gạch các loại), chế biến thủy hải sản, cơ khí, may công nghiệp. Tính đến thời điểm này, huyện đã có 4 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, gồm Hà Lam - Chợ được, Kế Xuyên - Quán Giò, Nam Hà Lam và Bình An.
Hướng phát triển của huyện Thăng Bình không nằm ngoài quỹ đạo chung của Quảng Nam. Trong tập sách có các bài viết về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch; chú trọng phát triển công nghiệp. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Thăng Bình tập trung nâng cấp và hoàn chỉnh hạ tầng các cụm công nghiệp. Huyện khuyến khích chuyển hướng một số cụm công nghiệp trên địa bàn từ đa ngành sang chuyên ngành. Thăng Bình chú trọng đào tạo nghề để người lao động có tay nghề cao, chủ động đóng góp vào quá trình phát triển của huyện, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Về văn hóa - nghệ thuật, tập sách “Thăng Bình - 40 năm xây dựng và phát triển” có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ uy tín như Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Tam Mỹ, Phan Chín, Phạm Thông, Nguyễn Hoàng Bích… Đa dạng những tác phẩm văn học - nghệ thuật phản ánh phong phú các mặt của đời sống không chỉ làm sinh động cho tập sách mà còn hướng người đọc đến các giá trị thẩm mỹ cao quý, thiêng liêng. Theo Ban biên tập, tập sách sẽ xuất bản vào trung tuần tháng 3.2015.
VIỆT QUANG