Cựu binh giữ rừng
Suýt bỏ mạng giữa rừng sâu vì bị lâm tặc bất ngờ tấn công nhưng người cựu binh một thời lửa đạn vẫn cương quyết bám giữ cánh rừng già của làng. Ông và nhiều người thiểu số ở A Ting (huyện Đông Giang) đều cho rằng rừng mất thì cư dân trong làng cũng phải quảy gánh ra đi. Tay không giữ rừng là công việc gian nguy nhưng ông quyết không chùn bước.
Nhát chém ngang tai
Địa bàn A Ting thuộc tỉnh Quảng Nam nhưng là nơi giáp ranh với Vườn quốc gia Bạch Mã của Thừa Thiên Huế. Căn nhà lụp xụp của ông Blong Nai, nằm giữa làng, sát mép tỉnh lộ 14B. Gia tài quý giá nhất của người cựu binh 62 tuổi này là những tấm ảnh một thời chiến trường từ biên giới A Xan xa xôi đến tận nước bạn Lào, của một thời trai trẻ ông đã xông pha.
Đã hơn 2 tháng từ ngày ông bị nhóm lâm tặc chém ngang mặt nhưng sức khỏe của Blong Nai vẫn chưa bình phục hẳn. Vết sẹo kéo dài từ lỗ tai, băng qua gò má đến tận môi trên của khuôn mặt. Một chiếc răng của ông cũng bị gãy, bỏ lại giữa rừng. Rót chén nước lá rừng mời khách, ông Blong Nai nói: “Dân làng mình mà không đoàn kết, tôi chết giữa rừng mất rồi”.
Du bị lâm tặc tấn công suýt bỏ mạng giữa rừng nhưng cựu binh Blong Nai vẫn cương quyết bám giữ khu rừng cho con cháu đời sau. Ảnh: TẤN VŨ |
Rồi ông kể tiếp, tháng 10.2014 ông cùng một nhóm bảo vệ rừng của làng A Ting khoảng 10 người đi tuần rừng như mọi khi. Khu rừng của Vườn quốc gia Bạch Mã hiện còn rất nhiều gỗ và thú quý hiếm lại ở xa nên làng phải cắt cử người đi đông để bảo vệ nhau. Khi vừa dựng trại trên bờ suối cả nhóm chia làm hai đoàn, một đoàn đi bắt cá, và đoàn ở lại nấu cơm. Ông Nai ở lại lán trại cùng mấy người phụ nữ lui cui trong bếp thì bất ngờ một nhóm người lạ mặt ập đến. “Một người đàn ông cao lớn mang cây rựa đến tóm đầu tóc tôi giật ngược ra sau, kê rựa vào cổ hô lớn: Mày muốn chết không? Tại sao chúng mày phá tau làm ăn. Cả nhóm phụ nữ bỏ chạy. Ba người đàn ông khác lôi Clau Crươi, người trong nhóm tôi, ra đánh thấu chết. Tôi bị người này chém nhát rựa vào mặt và ngất xỉu luôn” - ông Nai bàng hoàng kể.
Blong Nai. |
Vợ của Blong Nai là Clau Thị Chế, thấy chồng bị đánh quỳ khóc van xin. Nhóm người kia tha mạng cho Nai và bỏ đi. Clau Crươi cũng nằm gục bên trại vì gãy xương sườn. Chị Chế kể tiếp, ông Nai nằm vắt trên võng máu chảy dài xuống suối. Bà phải lặn lội đi kêu người để cứu chồng. Băng lên ngọn đồi cao nhất cách đó hơn 500 mét để gọi điện về công an xã.
Có chết cũng giữ rừng
Trải qua một đêm giữa rừng, ngất đi, tỉnh lại rồi lại ngất đi. Đến 9 giờ ngày hôm sau Blong Nai được người dân địa phương cùng công an xã vào khiêng về Trạm xá xã A Ting và chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam để cấp cứu. Hai mươi ngày nằm viện, vết thương may hơn chục mũi kim, chiếc răng gãy vẫn chưa trồng lại. Ông Nai được cho về nhà dưỡng bệnh.
Chị Chế vợ ông Nai phải chạy quanh làng vay mượn tiền, gạo để nuôi chồng. “Người trong làng quyên góp để giúp đỡ vợ chồng tôi. Mẹ tôi 91 tuổi rồi, bà có 2 triệu đồng để dành ngày mất mua quan tài cũng mang tiền cho tôi giúp chồng. Anh ấy khỏe lại nhưng số nợ 20 triệu đồng chưa biết làm gì để trả” - chị Chế cho biết.
Cũng như những người hàng xóm trong làng, ông Nai cùng 11 hộ dân khác được giao khoán 2.700ha rừng trong Vườn quốc gia Bạch Mã để chăm sóc. Mỗi năm gia đình ông được chia tiền từ dịch vụ bảo vệ môi trường rừng hơn 4 triệu đồng. Ông Nai nói: “Chắc phải chăm sóc rừng 10 năm nữa, chăm tới già mới đủ tiền trả nợ chữa bệnh. Nhưng cánh rừng là nguồn nước tưới cho cánh đồng của dân làng, là nơi gắn bó với tổ tiên dòng tộc nên không bỏ nó được”.
“Việc giao khoán rừng cho dân là chủ trương lớn của Nhà nước. Người dân và chính quyền đều được lợi ích từ việc bảo vệ này. Hiệu quả của nó rất rõ rệt. Khi người dân được có quyền lợi từ rừng thì họ cương quyết giữ rừng. Tuy nhiên, bây giờ việc còn lại là kiểm lâm và các cơ quan ban ngành khác phải hỗ trợ cho người dân để những vụ việc như thế này không xảy ra trong tương lai”. (Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam) |
Ông Nai tâm sự rằng mình từng là người lính biên phòng ở đồn 603, đi tận sang nước bạn Lào để làm tình nguyện viên hơn 3 năm, rồi về làm trưởng công an xã trước khi về hưu đi giữ rừng. “Bây giờ mình tìm họ trả thù thì phạm pháp luật. Cũng trông chờ công an vào cuộc nhưng chưa thấy tín hiệu gì về việc điều tra vụ án. Nhưng tôi nghe nói người đàn ông chém tôi bị tai nạn giao thông ngay sau đó. Bây giờ hai chân đều liệt, đi xe lăn thì thù oán làm gì” – ông Nai nói.
Clau Bắc, Trưởng công an xã A Ting cho biết, công an đang tiến hành điều tra thêm một số đối tượng trong vụ tấn công. Đối tượng chủ chốt trong vụ án cũng đã khai nhận toàn bộ nhưng bị tai nạn nặng nên công an chưa làm gì thêm. Clau Bắc thừa nhận: “Từ ngày tổ giữ rừng 11 hộ của ông Nai hoạt động, các cánh rừng vắng hẳn việc khai thác lâm sản. Ông Nai bị thương không làm người dân nản lòng mà họ quyết tâm hơn. Bây giờ họ đi theo đoàn, có đến vài chục người thanh niên, đủ trang bị phòng vệ và thông tin chặt chẽ nên cũng an tâm”.
Về phần mình ông Nai cho biết ông vẫn bám trụ cánh rừng, giữ cho đến ngày sức tàn, lực kiệt, ông không còn leo dốc được nữa. Bởi cánh rừng là nơi ông sinh ra, lớn lên, bước chân bao đời của cha ông in đậm nơi đó. “Tôi bảo vợ chuẩn bị thuốc và gạo mắm, sức khỏe có yếu chút nhưng ngày mai tôi cũng vào lại rừng. Nhớ lắm. Có chết cũng giữ nó cho con cháu đời sau” - ông Nai quả quyết.
TẤN VŨ