Tử vong vì bệnh không truyền nhiễm

QUỐC HƯNG 22/01/2015 10:49

Mỗi năm, 16 triệu người trên toàn cầu dưới 70 tuổi tử vong vì các căn bệnh không truyền nhiễm mà lẽ ra nhiều trường hợp hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Trong “Báo cáo toàn cầu về bệnh không truyền nhiễm năm 2014” do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, trong đó có những căn bệnh gây tử vong hàng đầu thuộc 4 nhóm bệnh chính là về tim phổi, đột quỵ, ung thư và tiểu đường. Những trường hợp này chiếm 63% tổng số người tử vong mỗi năm. Đồng thời 4 nguy cơ gây bệnh chủ yếu mà WHO cảnh báo là do việc hút thuốc lá, lạm dụng những đồ uống có chất cồn như bia rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu các hoạt động thể chất. Ngoài ra, tình trạng báo động về tỷ lệ trẻ em béo phì đang gia tăng trên toàn cầu có nguy cơ gây ra rất nhiều bệnh không truyền nhiễm.

Học sinh tham gia hoạt động thể chất rèn luyện sức khỏe (Ảnh: HEALTH)
Học sinh tham gia hoạt động thể chất rèn luyện sức khỏe (Ảnh: HEALTH)

Shanthi Mendis - điều phối viên của WHO về quản lý và kiểm soát các căn bệnh không truyền nhiễm và là tác giả chính của bản báo cáo trên nói, thế giới mất đi 16 triệu người mỗi năm ở độ tuổi 30, 40, 50 và 60 là một vấn đề nghiêm trọng và thật đáng tiếc. Đây là những độ tuổi đóng góp rất lớn cho phát triển xã hội trên nhiều phương diện. Số người tử vong sớm vì các bệnh trên chủ yếu tập trung tại các khu vực có thu nhập thấp hay trung bình. Trước thực trạng này, từ năm 2015, Hội đồng Sức khỏe thế giới thông qua kế hoạch hành động với mục tiêu giảm một phần tư tổng số người chết sớm vì bệnh không truyền nhiễm. Tuy nhiên, WHO cho rằng, nhiều quốc gia không đưa ra được những biện pháp phù hợp để đạt mục tiêu vào năm 2025.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc giảm các nguy cơ gây bệnh, từ năm 2008 - 2012 giảm được 13% số người hút thuốc lá nhờ vào chính phủ gia tăng phạm vi cảnh báo tác hại của thuốc lá được in trên bao thuốc và tăng thuế sản phẩm thuốc lá rất cao. Hungary thông qua luật đánh thuế vào các loại sản phẩm thức ăn và nước uống có chứa các chất có nguy cơ gây bệnh nếu như được sử dụng quá liều lượng như muối, đường. Luật này buộc các nhà sản xuất tại Hungary phải thay đổi công thức chế biến, giảm số lượng thành phần các chất bị đánh thuế. Argentina, Brazil, Chile, Canada, Mexico và Mỹ cũng có những quy định chế biến các sản phẩm thức ăn và nước uống tương tự.
Shanthi Mendis nói, thế giới có thể cứu sống hàng triệu người có nguy cơ tử vong sớm chỉ với những chiến lược ít tốn kém như cấm tất cả hình thức quảng cáo thuốc lá, hạn chế và cấm quảng bá bia rượu, mỗi người cần quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn bằng áp dụng những chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập luyện thể dục.

WHO cho rằng, nếu các quốc gia không chung tay hành động giảm thiểu tình trạng hiện nay, tổng thiệt hại về kinh tế trên toàn thế giới từ năm 2011 -2025 do những chứng bệnh không lây nhiễm gây ra ước tính sẽ lên tới 7 nghìn tỷ USD.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG