Một trái tim nhân hậu đã ngừng đập
Trưa ngày 20.1.2015, Trung tá, Thầy thuốc nhân dân Trang Xuân Chi, người con của quê hương Quảng Nam đã từ trần. Một trái tim nhân hậu đã thôi không còn đập ở tuổi 79.
Bác sĩ Trang Xuân Chi khám bệnh cho trẻ em miền núi lúc ông còn khỏe. Ảnh: HỒNG VÂN |
Tôi bắt chuyến xe chiều vào Quy Nhơn (Bình Định) viếng ông mà lòng đau như thắt. Tôi với ông không bà con, chỉ với tình đồng hương Quảng Nam mà gắn bó như cha con ruột thịt suốt hơn 10 năm nay. Tôi gặp ông rất nhiều lần trong các kỳ hội ngộ cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân, mà ông luôn nhận bằng khen khi là cây bút xuất sắc với các bài viết kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ những số phận không may mắn. Có lần tôi viết bài về chị Lê Thị Tư ở Quy Nhơn, người thời chiến tranh đã đưa bộ đội sang sông. Chị bị câm nên không thể nào chứng minh mình có công. Tình cờ biết chuyện này, tôi đã lặn lội gặp các nhân chứng và viết bài để chị được hưởng chế độ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Đọc bài viết của tôi, bác sĩ Trang Xuân Chi đã tìm được nhà tài trợ là chị Đồng Thị Ánh, nhận giúp đỡ chị Tư suốt đời. Tôi và ông nhận là cha con từ lúc ấy. Những lá thư của ông viết cho tôi bao giờ cũng bắt đầu: “Con thương yêu của ba. Ba khỏe và đã làm được một số việc báo con mừng”. Mừng nhất là khi ông được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”. Vậy mà đùng một cái, ông báo bị bệnh ung thư gan. Tin này lúc đầu ông không cho ai biết. Khi tôi nói sẽ báo cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định, những người rất quý trọng ông để họ đến thăm, hỗ trợ chữa bệnh, ông giận tôi đến mấy ngày. Bác sĩ Trang Xuân Chi là thế. Chỉ sống vì người khác, mà không muốn ai phải lo lắng vì mình và cũng ít khi để ý đến bản thân mình.
Má Hoàng, vợ ông, nói rằng trước khi phát hiện bệnh ông vẫn đi rất khỏe. Ông vừa đi An Lão, huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Bình Định để chụp ảnh, viết bài về một trường hợp chất độc da cam như ông đã từng làm với nhiều trường hợp trước đó. Khi về, ông mệt, kém ăn. Cứ nghĩ là do chuyến đi xa, không ngờ bệnh không chịu hết, ra Bệnh viện Trung ương 103 thì phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Nằm viện rồi về nhà, ông sút 6 ký, vậy mà vẫn tiếp tục làm từ thiện. Nhớ có lần tôi vào thăm, gặp lúc có một phụ nữ nghe tiếng ông nên lặn lội từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, bế con vào nhờ giúp đỡ. Cháu bé bị bệnh tim, nhà không có khả năng tài chính để mổ. Ông trực tiếp khám bệnh rồi ngồi ngay vào bàn viết bài cho các báo để xin tiền giúp cháu. Khi tôi trách: “Sao ba không nghỉ ngơi, bản thân ba cũng bệnh mà”, ông nói: “Biết sao được con, làm được đến lúc nào thì quý lúc đó. Mọi người đang cần ba”. Ra lại Hà Nội cuối tháng 9 để tái khám, ông bị vỡ khối u, phải cấp cứu. Bệnh viện 103 đã làm được việc thần kỳ là cứu ông vượt qua được cửa tử. Cứ nghĩ ông sẽ trụ ít nhất một năm nữa, vậy mà, ông đi khi cái tết nguyên đán đang cận kề.
Vợ chồng bác sĩ Trang Xuân Chi (bên trái) và chị Đồng Thị Ánh (ngoài cùng bên phải) - nhà tài trợ nhận giúp đỡ chị Lê Thị Tư suốt đời. |
Mẹ Têrêsa bên Ấn Độ, giúp người mà nhận giải Nô-ben vì hòa bình, được cộng đồng phong “thánh”. Thầy thuốc nhân dân Trang Xuân Chi trong tình cảm của những người được giúp đỡ thì coi như một ông tiên. Có ai như ông, giã từ quân ngũ cương vị Chủ nhiệm khoa nội 2, với kinh nghiệm từ chiến trường cứu hàng trăm thương binh, được nhiều phòng khám tư nhân mời gọi, nhưng ông dành tất cả thời gian còn lại cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Hai mươi năm qua, ông có mặt trên từng cây số của mảnh đất Bình Định, rồi Gia Lai, Kon Tum, đến với từng số phận không may mắn, những người bị bệnh tật hiểm nghèo. Người ta gọi ông là bác sĩ “ba trong một” khi vừa khám bệnh, vừa viết báo, vừa là trung tâm nhận và cấp quà từ thiện. Ông trở thành người xin tiền có “thương hiệu”. Bàn tay cầm dao kéo tài hoa cũng là bàn tay cầm bút khá sung mãn. Những bài báo của ông có sức lay động lòng người bằng ngôn từ giản dị mà thấm thía. Hơn 4 tỷ đồng từ các bài báo của ông đã giúp đỡ và cứu sống hàng trăm số phận. Số tiền bạn đọc giúp đỡ, khi thì chuyển cho hội chữ thập đỏ tỉnh, khi thì chuyển thẳng vào địa chỉ của ông. Ông và vợ cùng hai con lặn lội đưa đến từng trường hợp. Có bệnh nhân được tặng đến hơn 100 triệu đồng để phẫu thuật. Có khi quà chỉ là chục lon sữa cho các em thơ mất mẹ được ông phóng xe đưa đến tận nơi. Với uy tín của mình, ông liên hệ với các bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương 103 Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh... để phẫu thuật cho nhiều trường hợp bị tim, mổ lấy khối u, dị tật.
Có mặt trong lễ tang, mới từ sáng sớm đã thấy có các ông Vũ Hoàng Hà - nguyên Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhờ gửi trước lẵng hoa rồi đến viếng sau. Dòng người là cán bộ, nhân dân, các tổ chức xã hội, đại diện các cơ quan báo chí, sinh viên, học sinh Trường Đại học Quy Nhơn, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định đến viếng ngỡ như bất tận. Nhiều người mắt đỏ hoe. Ai cũng bất ngờ với sự ra đi của ông. Vì mới ngày nào đọc bài báo của ông mà không biết rằng ông viết trên giường bệnh. “Tiếc quá. Ông còn sống, còn giúp cho bao người” là câu nói nghe nhiều trong lễ viếng.
Quê Cẩm Phô, Hội An, mồ côi cha mẹ từ bé, theo bà nội lưu lạc rồi vào bộ đội, tập kết ra Bắc, sau đó công tác ở Bệnh viện Quân y 13, Quân khu 5 rồi định cư luôn ở Quy Nhơn, ông vẫn đau đáu về cố hương. Ông mơ ước được trở về quê, làm căn nhà nhỏ, khám chữa bệnh cho bà con quê mình mà cả cuộc đời bôn ba ông chưa có dịp. Nhưng rồi công việc cứ cuốn ông đi, để rồi đến hôm nay ước mơ đành dang dở.
Đâu cũng là quê hương. Cầu mong ba Chi mỉm cười, yên lòng nơi chín suối vì quê hương Quảng Nam tự hào có một người con như ông, một trái tim kết nối vạn trái tim.
HỒNG VÂN