Thất nghiệp gia tăng vì giá dầu

KIM OANH 21/01/2015 10:39

Giá dầu lao dốc và thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua khiến nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ trên thế giới đồng loạt cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất.

Giá dầu mỏ thế giới vào năm 2014 giảm gần 60% và đang trong cuộc chiến tìm kiếm mức phá đáy do nhiều nguyên nhân khác nhau, được xem là tín hiệu đan xen vui buồn cho các nền kinh tế khác nhau. Trong khi nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ, là nguồn doanh thu đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế phải lao đao vì giá dầu giảm mạnh thì nhiều nền kinh tế khác, chủ yếu là các nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu mỏ, được hưởng lợi không nhỏ. Nhiều nền kinh tế tại khu vực châu Á nhờ giá dầu thế giới giảm sâu đã tạo đà kích thích được các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế và đặc biệt tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Công nhân ngành dầu mỏ lo ngại mất việc khi giá dầu giảm mạnh. (Nguồn ảnh: sweetcrudereports)
Công nhân ngành dầu mỏ lo ngại mất việc khi giá dầu giảm mạnh. (Nguồn ảnh: sweetcrudereports)

Tuy nhiên, dầu liên tục rớt giá khiến “cơn lốc” lao động thất nghiệp đang diễn ra tại hàng loạt các công ty dầu khí có tên tuổi. Đáng chú ý phải kể đến Schlumberger - công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí có trụ sở tại các nước Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan vừa thông báo kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm toàn cầu trong năm 2015. Paal Kibsgaard, nhà lãnh đạo Schlumberger nói, việc cắt giảm hơn 7% tổng số lao động (khoảng 126 nghìn người đến từ 140 quốc gia) của công ty là việc làm không hề đơn giản nhưng đó là nhu cầu tất yếu để công ty sắp xếp lại hoạt động trước bối cảnh giá dầu xuống mức thấp nhất như hiện nay. Hay như Shell - Công ty dầu khí đa quốc gia Anh - Hà Lan, Chevron - Tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Mỹ cũng tiến hành cắt giảm lao động.

Tương tự, hai tập đoàn năng lượng khổng lồ là BP (Anh) và ConocoPhillips (Mỹ) thông báo sẽ cắt giảm hàng trăm công nhân tại khu vực biển Bắc, một trong những khu vực khai thác dầu có chi phí đắt đỏ nhất thế giới. Việc cắt giảm lao động do những khó khăn tài chính cũng như khả năng cạnh tranh của các công ty khai thác trước sức ép rất lớn khi giá dầu giảm mạnh. Ngoài ra, tại Mỹ, để cầm cự hoạt động, hàng loạt các công ty khai thác dầu chủ chốt ở các bang như Texas, North Dakota, Louisiana, Colorado sa thải khá nhiều lao động. Đơn cử, bang Texas ước tính sẽ có thêm khoảng 140 nghìn người thất nghiệp từ các hãng dầu trong năm 2015 và tình trạng thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục là vấn đề quan tâm của giới lãnh đạo Mỹ.

Barbara Conomy, lao động của một công ty dầu khí ở Colorado nói, dầu khí là một trong những ngành kinh tế đem lại lợi nhuận rất lớn cho công ty, các nền kinh tế và thu nhập rất cao cho người lao động. Việc sa thải công nhân là sự sắp xếp của các ông chủ nhưng rõ ràng, người lao động cũng chịu thiệt hại rất lớn trong cuộc chiến của giá dầu. Những lao động bị thất nghiệp mong muốn tìm việc làm ổn định ở những công ty khác là một vấn đề không phải dễ trong bối cảnh kinh tế hiện nay của Mỹ hay tại các nước trong tình hình chung của thế giới.

KIM OANH

KIM OANH