Cuộc thi "Hàng rào xanh" ở Triêm Tây: Giữ nét đẹp cho làng

VĨNH LỘC 21/01/2015 08:34

“Hàng rào xanh” và sáng kiến “Góc ảnh gia đình” là tên gọi của một cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại làng Triêm Tây (Điên Phương, Điện Bàn) do UBND huyện Điện Bàn phối hợp với UNESCO và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) vừa phát động.

Cuộc thi nhằm tạo ra một không gian xanh thanh bình cho làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, trong đó mỗi hàng rào là sự kết nối giữa con người và thiên nhiên nhằm mang đến một không gian gần gũi, thân thuộc cho du khách khi đến nơi đây. Theo đó, 50 hộ dân sống trên các đường chính của làng Triêm Tây sẽ được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật và thiết kế bởi các chuyên gia của dự án và cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn về cách thức cải tạo hàng rào và những loại cây cần trồng. Phần thưởng dành cho những hàng rào xuất sắc ngoài tiền mặt còn kèm theo bằng khen hoặc chứng nhận quốc tế do giám đốc các tổ chức UNESCO, ILO, Sở VH-TT&DL và Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn ký tặng. Ngoài ra, còn được đăng thông tin, hình ảnh trên sách hướng dẫn du lịch cộng đồng cũng như được ưu tiên lựa chọn tham gia các hoạt động đào tạo nghiệp vụ của dự án và huyện trong giai đoạn tiếp theo…

Cuộc thi hàng rào xanh sẽ biến những con đường làng Triêm Tây trở nên bình yên và thơ mộng hơn. Ảnh: V.L
Cuộc thi hàng rào xanh sẽ biến những con đường làng Triêm Tây trở nên bình yên và thơ mộng hơn. Ảnh: V.L

Hồn quê

Ông Nguyễn Yên, người dân làng Triêm Tây chia sẻ, cùng với dự án du lịch cộng đồng, cuộc thi phát động làm hàng rào xanh là một việc làm rất ý nghĩa để cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn và thu hút khách du lịch đến với làng. “Đây là cuộc thi để làm làng đẹp hơn nên người dân ai cũng sẽ cố gắng nhằm biến ước mơ về làng du lịch cộng đồng Triêm Tây sớm trở thành hiện thực để những người ở cái tuổi xế chiều như chúng tôi nếu có nhắm mắt xuôi tay cũng thấy vui vì con cháu mình sẽ đỡ khổ hơn” - ông Yên nói.

Theo ông Cao Thanh Tấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, ý tưởng xây dựng hàng rào xanh tại Triêm Tây nhằm hướng đến bảo tồn bền vững những giá trị văn hóa làng quê vì quan điểm của huyện trong việc xây dựng nông thôn mới không phải cứng nhắc theo kiểu bê tông mà cần mềm hóa để bảo tồn các giá trị truyền thống nơi đây. “Thông qua cuộc thi tại Triêm Tây, chúng tôi mong muốn không chỉ hình thành những con đường sáng, xanh, sạch đẹp, giữ hồn quê cho làng mà còn hướng đến nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Đó là hàng rào cổng ngõ phải xanh nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn trong phạm vi của từng hộ nên chúng ta có thể lồng ghép khung cứng bên trong và phần mềm xanh bên ngoài” - ông Tấn cho biết.

Hàng rào xanh có thể được trồng bằng các loại cây truyền thống như chè tàu, dâm bụt hoặc các loại dây leo tạo mảng xanh trên tường như cây thằn lằn, hoa giấy, cây dã yến thảo, hoa mười giờ hoặc kết hợp tạo màu xanh trên rào bằng những chậu cây hoa cảnh… đối với những hàng rào, cổng ngõ đã được kiên cố.

Mô hình đầu tiên ở Quảng Nam

Ông Mai Đình Lợi - Phó Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh nhìn nhận, tại một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan…, mô hình hàng rào xanh không xa lạ, tuy nhiên tại Quảng Nam thì đến nay chưa thấy địa phương nào triển khai mô hình này nên khi biết tin Điện Bàn phát động cuộc thi, ông đã chủ động liên hệ tham dự vì rất tâm đắc với ý tưởng này. “Tôi qua Hàn Quốc thấy họ làm hàng rào xanh đẹp lắm, về đề nghị xã nông thôn mới Tam Phước (Phú Ninh) triển khai mô hình này nhưng họ vẫn không làm được, nên cách làm ở Triêm Tây rất sáng tạo và phải được nhân rộng ra nhiều nơi. Cách làm này chỉ có được chứ không mất gì cả, và quan trọng là sẽ có những hàng rào đẹp, sạch thuận lợi cho người dân đi lại” - ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, cuộc thi không chỉ dừng lại ở 50 hộ hay làng Triêm Tây, thời gian cũng không nên gói gọn 7 tháng mà phải kéo dài 3 năm. Trong đó năm đầu tiên sẽ chấm thưởng xem ai làm đạt yêu cầu nhất, năm thứ hai thưởng cho gia đình nào chăm sóc hàng rào tốt nhất và năm thứ ba khi hàng rào định hình thì chấm thưởng cho ai có hàng rào đẹp nhất. Đồng tình ý kiến trên, TS. Dương Bích Hạnh – Trưởng ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội bày tỏ, quan điểm của UNESCO là tất cả những gì làm tại Triêm Tây trước hết là phục vụ cho lợi ích của người dân, kể cả phát động cuộc thi hàng rào xanh. “Bà con hãy nghĩ làm hàng rào xanh trước hết là cho mình đã, nếu đường làng cổng ngõ xanh sạch thì mình cũng sẽ thấy vui. Rồi việc làm cái góc ảnh gia đình cũng chưa chắc khách du lịch họ vào xem nhưng mình lại có được những khoảnh khắc kỷ niệm của gia đình, ở đó có thể có hình ảnh những người thân đã đi xa hoặc không còn, vì vậy mong bà con hãy nghĩ là những điều mình làm trước hết là cho bản thân gia đình mình được hưởng. Bên cạnh đó, cũng hy vọng có khách du lịch vào sẽ giúp bà con tăng thêm thu nhập để biến Triêm Tây thành một làng quê điển hình đáng sống thu hút khách du lịch đến với làng” - TS. Dương Bích Hạnh phân tích.

Dù mới chỉ là bước đầu và cuộc thi đến ngày 10.7.2015 mới tiến hành tổng kết trao giải nhưng có thể khẳng định đây là một hoạt động rất ý nghĩa và cần được nhân rộng ra nhiều nơi, nhất là các xã nông thôn mới của tỉnh. Nói như ông Mai Đình Lợi: “Người dân không mất gì cả mà lại có được một hàng rào xanh, sạch, đẹp, đó cũng chính là nơi gói gọn cái hồn quê để dù đi đâu, làm gì thì hình ảnh đường làng, cổng ngõ vẫn là những ký ức đẹp và thân thương nhất trong mỗi con người chúng ta”.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC