Vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi
Có 16 cá nhân được xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh năm 2014 như một động lực phát huy hơn nữa vai trò của họ trong công cuộc khôi phục và phát triển các làng nghề tại địa phương.
Theo thợ giỏi Lê Viết Tới, danh hiệu này sẽ giúp sản phẩm tre mỹ nghệ của ông tạo được uy tín trên thị trường. Ảnh: VĂN HÀO |
Những âm thanh bào, đục, đẽo… phát ra từ Cơ sở Tre mỹ nghệ Điện An (xã Điện An, Điện Bàn) vào những ngày cuối năm gấp gáp hơn ngày thường. Chủ cơ sở - ông Lê Viết Tới (58 tuổi), người có 37 năm gắn bó với các sản phẩm được làm từ tre, không giấu được niềm vinh dự khi bản thân vừa được tặng danh hiệu thợ giỏi. Ông bảo, đó còn là một trách nhiệm để những người thợ như ông nỗ lực sản xuất những sản phẩm chất lượng, mỹ thuật mang thương hiệu riêng của xứ Quảng đem phục vụ thị trường. “Nghề này là cha ông truyền lại. Hiện các sản phẩm được làm bằng tre như bàn ghế, giường tủ… tiêu thụ mạnh, các nhà hàng, quán xá ở tận TP.Hồ Chí Minh cũng lặn lội ra đây tìm đặt hàng” - ông Tới nói.
Hiện, cơ sở tre mỹ nghệ của ông Tới giải quyết 10 lao động với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, con cháu ông cũng đều tiếp bước theo nghề này. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, bên cạnh các sản phẩm làm ra phải chất lượng, bền với thời gian thì ông Tới quan tâm đến tính thẩm mỹ, bắt mắt. Từ chỗ cầm tay chỉ việc những ngày đầu, đến nay nhóm thợ của ông đã thạo nghề và tâm huyết với công việc. Ông tâm sự: “Hàng chục năm theo nghề, bản thân tôi luôn chú trọng công tác đào tạo lớp trẻ kế cận để phát triển nghề này. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng là nguyên liệu tre để làm ra sản phẩm ngày càng khan hiếm, khó tìm”. Ngoài danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, ông Tới còn là chủ nhân của các giải thưởng, bằng chứng nhận từ địa phương đến trung ương.
Trong danh sách 8 nghệ nhân, 8 thợ giỏi vừa được xét tặng, duy nhất chị Bling Thị Treng (44 tuổi, xã Tà Lu, Đông Giang) là người đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm Đhrôồng, chị Bling Thị Treng không chỉ là tấm gương phụ nữ vượt khó làm ăn thoát nghèo mà còn đóng góp tích cực trong công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương. 24 năm tuổi nghề, với chị, danh hiệu thợ giỏi là một điều gì đó rất lớn lao mà bản thân cần phải cố gắng, hoàn thiện hơn nữa. “Danh hiệu này không chỉ khích lệ tôi mà còn với tất cả chị em trong THT để phấn đấu làm ra những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình, góp phần quảng bá, thu hút du dịch. Với sự quan tâm của các cấp, chúng tôi hy vọng nghề dệt thổ cẩm của địa phương sẽ có một chỗ đứng vững chãi hơn trên thị trường trong thời gian tới” - chị Bling Thị Treng tâm sự. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang, với đồng bào miền núi nói chung và địa phương nói riêng, danh hiệu thợ giỏi của chị Bling Thị Treng sẽ tạo nên một động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua, sáng tạo trong sản xuất.
Với 61 làng nghề truyền thống trên địa bàn, lần đầu tiên những người dành cả một đời trong việc gìn giữ ngành nghề được xướng danh nghệ nhân. Trong đó phải kể đến như cụ Đinh Thạch với 74 năm trong nghề mộc (làng mộc Văn Hà, Tam Thành, Phú Ninh); cụ Lê Trọng với 72 năm trong nghề gốm (làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An)… Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương, tại Quảng Nam, danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân được Chủ tịch nước phong tặng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, kể từ năm 2014, việc công nhận các nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh sẽ là bước chạy đà để những con người một đời tâm huyết với các ngành nghề truyền thống tiếp cận với các danh hiệu cấp Nhà nước. Ông Quang nói: “Ngoài quyền lợi khi được công nhận là nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh, chúng tôi còn hướng đến sự bảo tồn ngành nghề có tính bền vững trong những năm tới. Tất nhiên, để được công nhận các danh hiệu trên, phải đảm bảo tiêu chí về truyền nghề, dạy nghề và sau đó, vai trò của những cá nhân này sẽ được phát huy, xứng đáng với danh hiệu”. Ông Quang cho biết thêm, năm đầu tiên triển khai việc xét tặng các danh hiệu trên mới chỉ có 5 huyện, thành phố đề xuất hồ sơ. Trong thời gian đến, các địa phương cần quan tâm, phối hợp để tăng số lượng người được xét tặng, tương xứng với sự đa dạng về ngành nghề, làng nghề tại Quảng Nam.
VĂN HÀO