Chợ Gò
Gần 40 năm sau ngày giải phóng quê hương, chợ Gò ở thôn Phú Bình, xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) vẫn lặng lẽ duy trì hoạt động. Trong ký ức của người dân nơi đây, chợ Gò là nơi cung cấp lương thực nuôi sống cách mạng và nhân dân trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Chợ hiện nay vẫn duy trì hoạt động để phục vụ người dân. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ông Đoàn Xuân Đông (76 tuổi), nguyên Trưởng ban tài chính xã Phú Diên cho biết, chợ Gò trong thời kỳ chống Pháp nằm ở làng Phú Trạch, xã Phú Diên thuộc tổng Xuân Phú (cũ). Với bề dày lịch sử hàng trăm năm cùng với chứng tích anh hùng trong thời chiến, sau ngày giải phóng đất nước, ông đã viết lại lược sử chợ Gò nhưng hiện nay đã bị thất lạc. Ông Đông kể, chợ Gò trước thời kỳ chống Pháp là nơi giao thương buôn bán tấp nập khi người dân vùng lân cận như làng Mã Châu (Duy Xuyên), chợ Được (Thăng Bình), làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp) men theo đường bộ tụ về thành đầu mối. Những mặt hàng chính yếu là sản vật của núi như củi, chuối, khoai sắn… Chính địa thế thuận lợi đó, chợ Gò cũng hình thành đầy đủ dịch vụ ẩm thực với các hàng quán và sự phục vụ của gánh hát. Thời kỳ Pháp thuộc, địch ít kiểm soát nên chợ Gò vẫn hoạt động mạnh với vai trò là nơi cung cấp lương thực cho Việt Minh và là điểm cư ngụ của người dân lúc chạy giặc. Đến những năm 1953 - 1954, địch phát hiện chợ Gò nuôi giấu lực lượng cách mạng nên gia tăng càn quét khiến chợ Gò ở Phú Diên dần tan rã, chợ phải chuyển xuống phía đông hơn 1km bên khu rừng mù u để tiếp tục hoạt động. Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chợ Gò được chuyển về vị trí ban đầu. Đến năm 1968, chợ Gò một lần nữa lại phải dịch chuyển lên phía tây cạnh những khu vườn dừa để né tránh đạn địch và tiếp tục hoạt động nên người dân thời đó còn quen gọi là chợ Vườn Dừa.
Ông Đông cho biết thêm, kể từ cuối năm 1941, đồng chí Võ Chí Công chọn làng Nghi Sơn làm địa bàn bám trụ hoạt động cách mạng ở vùng tây Quế Sơn, về sau hàng loạt cơ sở cách mạng phát triển và trở thành căn cứ vững chắc. Chợ Gò vẫn luôn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức, cơ sở cách mạng nơi đây. Chính vì thế, địch gia tăng đàn áp. Đỉnh điểm cuối năm 1970 đầu năm 1971, quân Mỹ ngụy chốt đồn sát chợ Gò ở vườn dừa nhằm kiểm soát tình hình và cấm tiếp tế lương thực cho cách mạng nên lương thực dần eo hẹp, gây không ít khó khăn cho quân và dân ta. Nhằm phá thế cô lập, bộ đội ta tiến đánh đồn địch, giao tranh ác liệt, chợ Gò bị máy bay bắn phá dữ dội, những ngôi nhà ven chợ tang tóc. Để tiếp tục hoạt động, chợ Gò buộc phải phân tán thành những cụm nhỏ, lui vào sát mép rừng nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm. “Trong thời chiến, chợ muốn tồn tại được tất nhiên phải di chuyển hoặc hoạt động lén lút. Và với chợ Gò, dù nhiều lần thay đổi vị trí nhưng vẫn phải gánh chịu bom đạn tàn khốc” - ông Đông nhớ lại.
Để chợ Gò duy trì hoạt động, các ban lương thực, ban dân vận của xã Phú Diên và huyện Quế Sơn dù hoạt động trong lòng địch vẫn luôn nỗ lực thực hiện công tác vận động người dân duy trì mua gạo, muối, thức ăn rồi phân phát và bán lại cho người dân và cán bộ ở vùng kháng chiến. Ông Võ Văn Kinh, nguyên Phó ban lương thực - nguyên Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, ban đầu chính quyền đã vận động những người hợp pháp mua lương thực rồi chôn cất ở các xã Phú Diên, Phú Hương, sau đó bán lại cho bộ đội. Đồng thời kêu gọi người dân chợ Gò tăng cường vận chuyển lương thực, vận động nhân dân vùng tây xuống chợ Gò cõng lương thực về nhà. Để qua mắt địch, cả trẻ em cũng được tham gia vận chuyển thuốc men bằng cách lận vào tay áo hoặc buộc vào dưới chân; người lớn thì cõng lương thực luồn lách qua những khe núi. Khi địch phát hiện và tăng cường lùng sục, người dân chợ Gò còn thắp đèn gánh gạo, cá muối, mì chính vào tận nhà để bán cho người dân và bộ đội. Và không phải lần vận chuyển nào cũng thuận lợi, những lúc bị địch bắt, bọn chúng khép tội tiếp tế lương thực cho cộng sản, rồi lôi ra đánh, tra khảo, bắt nuốt cá sống... “Phải nói rằng chợ Gò là điểm nút cung cấp lương thực cho cách mạng và nhân dân khi Mỹ ngụy đóng đồn ở Cấm Dơi, cắt đứt các mạch lương thực. Không chỉ riêng vùng tây Quế Sơn mà các cán bộ ở căn cứ cách mạng ở huyện Phước Sơn và một số vùng lân cận của huyện Thăng Bình cũng men theo chân núi Hòn Tàu xuống làng Nghi Sơn để đến chợ Gò vận động lương thực. Nếu không có chợ Gò và tấm lòng vì dân, vì bộ đội biến thành sức mạnh quật cường của người dân nơi đây thì chắc chắn nhiệm vụ hoạt động cách mạng và nhân dân vùng kháng chiến sẽ gặp không ít khó khăn” - ông Kinh nói.
Hiện nay, chợ Gò có gần 20 hộ buôn bán nhỏ lẻ. Chợ đông nhất khoảng sau 9 giờ sáng. Trong khu chợ đơn sơ này, có nhiều người đã bám trụ hàng chục năm trời, lặng lẽ mưu sinh. Theo đề án Phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn 2012 – 2020 trên địa bàn huyện Quế Sơn, chợ Gò sẽ được quy hoạch mới, bố trí đất phù hợp với quy mô của chợ. Theo đó, huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ miễn giảm thuế, tiền thuê mặt bằng trong thời hạn nhất định để khuyến khích các hộ dân đăng ký hoạt động kinh doanh ở chợ Gò. Ông Nguyễn Hữu Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Quế Xuân 2 cho biết, trước đây nhắc đến chợ Gò thì người dân Quế Sơn không ai là không biết. Hy vọng, với những chuyển động đó, chợ Gò sẽ được xây dựng khang trang hơn, để con cháu đời sau biết đến chợ Gò như một di tích của quê nhà.
DUY THÁI