Theo những gánh cá thuê

ĐÔNG DƯƠNG 16/01/2015 09:38

Tôi theo chân những phụ nữ người Quảng Nam ra bến cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) buổi sáng sớm. Cái lạnh mùa này như cắt da thịt. Các chị bảo tôi: “Viết gì thì viết nhưng đừng nêu tên mà con cái nó buồn”.

Chị Nguyễn Thị V. (quê Thăng Bình) thức tôi dậy lúc 12 giờ khuya, đường phố không một bóng người. Nhưng không phải vào bến là có cá để gánh. “Hôm nào cũng 12 giờ là ra bến, nhưng có khi ngồi chờ mãi đến 3 - 4 giờ mới gánh được một gánh, nhưng mà mình không đi sớm thì có khi ra hết cá mất rồi lấy đâu mà gánh”- chị V. thật thà. Chị nói, chẳng ai gọi việc này là nghề cả, nhưng các chị quen với việc làm thuê này nên cứ gọi “nghề gánh cá cho nó sang vậy”. Cũng khá đông phụ nữ làm công việc này, hầu hết họ từ Quảng Nam ra. Nhiều việc thì gánh cá đến nơi cho chủ khoảng 7 - 8 giờ sáng, 12 giờ trưa lại tiếp tục công việc như vậy đến 5 giờ chiều. Rồi 12 giờ đêm lại ra bến… Là vậy, nhưng mỗi gánh cá các chị được trả công 2.000 - 3.000 đồng. Chị Đoàn Thị H., cũng ở Thăng Bình nói: “Gánh nặng nhẹ gì cũng một công vậy, may mắn thì có người cho hơn, nhưng hiếm lắm”. Kinh nghiệm nhiều năm như chị H., chị V. trung bình một ngày chừng 100 nghìn đồng tiền công, có hôm không có. Thường mùa nắng sẽ được tiền công nhiều hơn, có nhiều người ra cả ngày gánh 5 gánh cá, tính đoạn đường ra đường vào cũng 5km đi bộ, được 10 nghìn đồng.

Gánh cá thuê ở bến cá Thọ Quang (Đà Nẵng).
Gánh cá thuê ở bến cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Tại căn phòng trọ ẩm mốc chật chội với khoảng 20 người làm cùng nghề gánh cá gom góp mướn, chị H. cho biết: “Ở đủ nơi hết, Thăng Bình cũng có, Núi Thành cũng có. Hai mươi người là ít, có khi 40 người chung tiền thuê trọ. Mỗi ngày mình trả 10.000 đồng, ở bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Còn bữa ăn của các chị, có khi khốn khó hơn nhiều lần bữa cơm sinh viên. Cá thì xin của thương lái, góp mua thêm 3.000 đồng rau xanh, vậy là thành bữa. Chị H. cho biết thêm: “Cái nghề này chật vật lắm, mùa có, mùa không, mình phải làm thời vụ. Lúc mới ra làm khó khăn lắm, người lạ mặt, chủ buôn không thuê, họ chỉ thuê những người quen thôi. Lúc đầu mới ra chưa có việc nhiều chị phải đi nhặt ve chai bán, ngày kiếm mấy chục nghìn. Bây giờ các chị mới ra cũng phải vậy”. Chị T., người ở Núi Thành góp lời: “Kiên nhẫn làm vậy cũng coi như mình có cái nghề, nhiều chị không có việc phải đi mò sò bán. Nhiều người cũng không trụ được ở đây lâu vì thức đêm không quen, cuộc sống thì khốn khó mà tiền thì lại ít. Có người mới ra có 2 - 3 ngày thì bỏ về”.

Thăm hỏi một vài lời thâm tình, tôi nhìn ra nỗi niềm của những phụ nữ này khi bảo: “Viết gì thì viết, nhắc tên được rồi, đừng nói các chị ở đâu, chỗ nào mà con cái biết được tụi nó buồn”. Bởi vì, “các chị bị ướp mùi cá tanh lâu, ít ai chịu được, ăn mặc thì lem luốc… Nhưng phải chịu cực, chịu khó chứ không con cái ở nhà lấy gì mà ăn học”… Như chị H. có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất đang đi học, đứa ở giữa nghỉ học sớm, đứa đầu tiên thiểu năng, chậm nói, may mà còn biết nấu cơm, quét nhà. “Mùa màng ở nhà đang thất thu, chị không muốn cho con mình phải chịu khổ vì vậy phải rán ở lại đây làm. Dù ít tiền nhưng vẫn có tiền mặt để gửi về chăm lo cho các con”- chị H. nói.

Một nồi cá kho ớt xanh, nước trong veo đậm đúng chất Quảng Nam cũng vừa chín tới, xộc vào mũi thơm lừng. Các chị nhìn tôi rồi nhiệt tình mời bữa cơm thân mật. “Mùi cá thì tanh, hôi lại bám dai nhưng khi nấu chín rồi thì thơm, ngon và vô cùng hấp dẫn” - tôi đã nghĩ vậy khi ra về.

ĐÔNG DƯƠNG

ĐÔNG DƯƠNG