Củng cố du lịch làng nghề mộc Kim Bồng
UBND TP.Hội An vừa thông qua kế hoạch quản lý và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững tại làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim) nhằm tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với phát triển du lịch làng nghề nơi đây.
Sụt giảm khách
Được triển khai năm 2004 thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo do Liên hiệp quốc tài trợ, Kim Bồng là làng nghề đầu tiên của Hội An được hưởng lợi từ một dự án du lịch cộng đồng. Cùng với chương trình hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), TP.Hội An đã đầu tư khôi phục, phát triển nhiều hạng mục hạ tầng làng nghề như nhà xưởng sản xuất, trung tâm đón tiếp, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các chương trình tour tuyến phục vụ khách tham quan... Đặc biệt, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và du lịch Kim Bồng gồm 23 xã viên cũng được thành lập nhằm điều hành hoạt động du lịch, dịch vụ. Trong giai đoạn đầu, làng mộc Kim Bồng trở thành kiểu mẫu của mô hình du lịch cộng đồng với lượng khách đến tham quan trải nghiệm luôn cao. Riêng giai đoạn 2007 – 2010 tốc độ phát triển du lịch của làng tăng bình quân hàng năm hơn 104%, từ 22.843 lượt khách (năm 2007) lên 33.428 khách (năm 2008), dù đến năm 2010 khách có sụt giảm nhưng vẫn đạt con số 27.196 lượt, khá cao so với làng gốm Thanh Hà (10.589 lượt) và rau Trà Quế (7.417 lượt).
Du khách đến tham quan làng mộc Kim Bồng. Ảnh:MINH HẢI |
Theo ông Nguyễn Hùng Linh – Phó Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, thành công của du lịch Kim Bồng thời gian này ngoài sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong việc lập kế hoạch và quản lý thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đều được đầu tư khá đồng bộ. Bên cạnh đó, sự độc đáo của các sản phẩm du lịch mang đậm giá trị văn hóa làng nghề như trình diễn nghề mộc, tour xe đạp “Một thoáng Kim Bồng”… do lần đầu xuất hiện nên thu hút khá đông khách. Công tác quảng bá, xúc tiến được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là việc xây dựng được mối quan hệ đối tác giữa HTX với các công ty lữ hành, khách sạn đã giúp làng duy trì được lượng khách ổn định nhiều năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2011 – 2013, số lượng khách đến bỗng sụt giảm mạnh (từ trên 28.000 lượt khách vào năm 2011 xuống chỉ còn gần 1.400 khách vào năm 2013), hoạt động của HTX Dịch vụ và du lịch Kim Bồng dần ngưng trệ. Ông Linh cho rằng, nguyên nhân chính là Ban chủ nhiệm HTX hoạt động không hiệu quả, bộ máy thiếu liên kết, nhân lực yếu, chính sách phân phối nguồn thu không kích thích sự tham gia của tập thể lãnh đạo và xã viên, nhất là sự phân chia lợi nhuận giữa thành viên và xã viên không công bằng; sản phẩm làng nghề chưa đa dạng, thiếu chăm chuốt… “Có thể nói, thời điểm này du lịch làng mộc Kim Bồng đã giảm sút về quy mô và năng lực sản xuất, hoạt động du lịch chỉ còn cầm chừng và bế tắc. Vì vậy củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với du lịch nơi đây là cần thiết” - ông Linh nói.
Củng cố để phát triển
Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, củng cố lại hoạt động du lịch làng nghề đang là ưu tiên của thành phố năm 2015 vì dù có những lợi thế nổi bật nhưng hiệu quả du lịch Kim Bồng hiện tại được xem là thấp nhất trong các làng nghề du lịch của Hội An. Để triển khai kế hoạch này, thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng lại mô hình tổ chức, quản lý làng nghề và hình thành các nhóm chức năng điều hành hoạt động; tiến hành xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng làng nghề; cải thiện hạ tầng dịch vụ du lịch; xúc tiến quảng bá thương mại du lịch; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động làng nghề và du lịch.
Để thực hiện những công việc trên, trước mắt thành phố sẽ giải thể HTX Dịch vụ và du lịch mộc Kim Bồng và thu hồi mặt bằng trung tâm làng nghề từ HTX để chuyển sang thành lập ban quản lý làng nghề và phát triển du lịch Kim Bồng do một lãnh đạo xã Cẩm Kim làm trưởng ban, cùng 1 phó ban và 4 nhóm chức năng giúp việc là nhóm trung tâm thông tin du khách, nhóm hướng dẫn khách tham quan, nhóm phục vụ ẩm thực, lưu trú, nhóm trình diễn nghề và sản xuất nghề. Cùng với đó cũng sẽ tổ chức xây dựng những sản phẩm đặc trưng làng nghề như đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, chạm mộc; tham quan di tích nhà thờ tộc; trình diễn ẩm thực mỳ Quảng, nướng cá; dịch vụ xe trâu; xây dựng tour mới “Làm nghệ nhân Kim Bồng”… Đặc biệt, xây dựng chính sách 4P trong marketing là sản phẩm (Product), giá cả (Price), phân phối (Place), xúc tiến (Promotion) và thí điểm tổ chức dịch vụ lưu trú homestay cho 4 - 6 hộ dân… Tổng kinh phí thực hiện khoảng 856 triệu đồng.
Theo ông Huỳnh Sướng – nguyên Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và du lịch Kim Bồng, việc củng cố lại làng nghề mộc Kim Bồng là chủ trương đúng, tuy nhiên cần cân nhắc một số yếu tố về bảo tồn, đầu tư trước khi thành lập ban quản lý vì Kim Bồng không giống các nơi khác do đây là làng nghề đang phục hồi và có nhiều mảng sản xuất như đóng tàu thuyền, đánh bắt hải sản, chế tác… chứ không đơn thuần chỉ là du lịch. “Những làng nghề như rau Trà Quế hay gốm Thanh Hà họ không làm du lịch vẫn sống được nhờ sản xuất bán hàng hóa ra thị trường, còn mộc Kim Bồng thì khác vì phải vừa phát triển vừa phục hồi nên chỉ cần có khách đến tham quan tìm hiểu, quảng bá là tốt rồi chứ không nhất thiết bán vé thu tiền như một điểm du lịch” - ông Sướng phân tích. Tuy vậy, ông Nguyễn Hùng Linh cho rằng, kế hoạch chắc chắn sẽ gặp ý kiến trái chiều vì ảnh hưởng đến quyền lợi một vài người nhưng đây là việc làm cần thiết và kế hoạch cũng đã được điều tra kỹ lưỡng để đảm bảo quá trình củng cố làng nghề sẽ mang lại hiệu quả tích cực nhằm không chỉ đưa hoạt động sản xuất, du lịch làng nghề phát triển hiệu quả mà sẽ giúp mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân nơi đây. “Để thông qua kế hoạch này, hơn một năm qua chúng tôi đã tổ chức điều tra, rà soát lấy ý kiến tất cả hộ dân và thành viên HTX cũng như tiến hành triển khai các thủ tục giải thể HTX theo trình tự pháp lý rõ ràng. Hiện tại công việc củng cố làng nghề mộc Kim Bồng đã được triển khai phấn đấu đến tháng 6.2015 sẽ ra được sản phẩm và đưa vào hoạt động đón khách ngay trong năm 2015” - ông Linh cho biết.
VĨNH LỘC