Còn nỗi đau ở lại
Ai cũng biết, Bình Trị (Thăng Bình) đã chấm dứt tình trạng khai thác vàng từ lâu. Nhưng ai ở xã này cũng biết, số người mắc bệnh hiểm nghèo vì hệ lụy đãi vàng còn nhiều. Vậy mà một số người vẫn còn lén lút đi đào đãi vàng.
Hơn một tiếng đồng hồ, vượt qua đoạn đường núi dốc, khúc khuỷu chúng tôi mới đến được bãi vàng Động Giá ở thôn Vinh Đông, xã Bình Trị, nay chỉ còn là một hầm sâu hơn 20m. Tuy đã ngừng hoạt động hơn 9 năm nhưng tại hiện trường, những chảo sàn vàng vẫn còn sót lại nguyên vẹn và lớp đất đá sàng lọc vẫn còn rất mới. Theo anh Trần Văn Trãi, công an viên xã Bình Trị cho biết, bãi vàng này hoạt động mạnh nhất vào thời điểm năm 2004 đến năm 2006. Tại thời điểm đó, mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức rất nhiều cuộc truy quét, song địa hình ở đây rất phức tạp nên đuổi xong nhóm này thì nhóm khác hoạt động. Mãi đến đầu năm 2006, những bãi vàng nơi đây không còn hoạt động nữa. Bãi vàng Động Giá hoạt động trong vòng từ năm 1991 đến năm 2006. Chủ bãi vàng đa số là người dân địa phương trong xã Bình Trị và các xã lân cận khác hùn vốn lại để xây hầm khai thác. Những công nhân làm hầm phần lớn là thanh niên trai tráng của địa phương. Anh Lê Khắc Ngọc, thôn Vinh Đông, là người từng làm thuê tại bãi vàng cho biết: “Lúc đó, gia đình tôi nghèo lại không có việc làm nên thanh niên như tôi vào các bãi vàng này làm thuê để kiếm tiền. Tôi làm từ năm 1995 - 2006 thì nghỉ do làm việc trong môi trường độc hại. Không có tiền mới phải chui vào đó làm chứ thực ra tôi biết rất nguy hại đến sức khỏe sau này”.
Bãi vàng Động Giá, thôn Vinh Đông, xã Bình Trị, nơi người dân thi thoảng đến đào đãi vàng.Ảnh: G.B |
Tình trạng khai thác vàng tại thôn Vinh Đông cơ bản đã chấm dứt, nhưng hậu quả để lại cho những phu vàng vẫn còn dai dẳng. Theo phản ánh của người dân thôn Vinh Đông, những năm gần đây, người dân tại đây mắc bệnh ung thư phổi rất nhiều. Điều đáng nói là những người này tuổi đời còn rất trẻ. Ông Lê Khắc Nga - Trưởng thôn Vinh Đông cho biết, toàn thôn Vinh Đông có 327 hộ, 3 năm gần đây số người mắc bệnh hiểm nghèo rất nhiều khiến cho người dân lo lắng. 24 người mắc bệnh, trong đó có 10 người chết và 14 người đang điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam. Những người mất đa số còn trẻ và ngày trước từng tham gia làm việc tại bãi vàng. Theo số liệu thống kê từ thôn Vinh Nam, thôn này cũng có tới 12 trường hợp bị ung thư, trong đó 4 người đã chết vì ung thư phổi, 8 người còn lại bị mắc bệnh ung thư phổi, gan và hạch.
Cũng theo ông Nga, có nhà có đến 2, 3 người mắc bệnh như Anh Nguyễn Công Hậu (SN 1971) mắc bệnh ung thư có vợ và 2 đứa con dại. Ông Đặng Tấn Quang (52 tuổi) mắc bệnh ung thư, ngày qua ngày phải nhờ sự chăm sóc của vợ và có 3 đứa con. Gia đình ông Lý Hùng (SN 1973) có người em là Lý Thành (SN 1975), cả 2 anh em đều mắc bệnh ung thư phổi và đang điều trị tại bệnh viện. Gia đình ông Trần Phương (SN 1956) và bà Nguyễn Thị Quý (SN 1958), trú thôn Vinh Đông cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh ung thư. Phải sống trong cảnh bệnh tật và nghèo đói vì nợ nần.
Tuy nhiên điều đáng nói là người dân hằng ngày chứng kiến những người hàng xóm của mình đang phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo nhưng thỉnh thoảng khi lên rừng làm rẫy, họ vẫn nhìn thấy người đi chẻ đá, đãi vàng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Mãnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết: “Từ 3 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn 2 thôn Vinh Đông và Vinh Nam của xã đều mắc và chết vì ung thư phổi rất nhiều. Trước đó, năm 2010, Viện Pasteur Nha Trang có về địa phương điều tra thì cho kết quả người dân mắc bệnh phổi, do hít thở bụi có chất silic trong môi trường lao động. Mặc dù, cái chết vẫn tìm đến và người mắc bệnh ngày càng nhiều nhưng người dân vẫn thỉnh thoảng vào đó khai thác vàng. Địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc truy quét để ngăn chặn tình trạng này”.
GIANG BIÊN