Thách thức đô thị hóa ở châu Á

NAM VIỆT 13/01/2015 10:26

Xu hướng đô thị hóa ồ ạt đang diễn ra tại châu Á gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường và xã hội. Do vậy việc chính phủ các nước đang triển khai mô hình thành phố đáng sống- xanh- sạch đã nhận được rất nhiều quan tâm.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính đến năm 2050, khoảng 3 tỷ người dân khu vực (chiếm 2/3 dân số) sinh sống tại các đô thị với khát vọng kiếm được việc làm có thu nhập cao, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình. Hiện nay, các thành phố ở châu Á tạo ra 80% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho khu vực và  tiếp tục tăng. Việc di cư từ thành thị đến nông thôn đươc đánh giá đem lại nhiều mặt tích cực cho phát triển kinh tế, trong đó làm giảm đáng kể tỷ lệ người đói nghèo.

Tòa nhà “phủ xanh” hiện rất phổ biến ở Singapore. (Nguồn ảnh: asiaone)
Tòa nhà “phủ xanh” hiện rất phổ biến ở Singapore. (Nguồn ảnh: asiaone)

Tuy nhiên, việc đô thị hóa gia tăng nhanh trong khi việc quản lý đô thị còn chậm chạp và thiếu tính hiệu quả khiến cho các đô thị ở châu Á hiện đang gánh chịu rất nhiều hệ lụy. Môi trường xuống cấp nghiêm trọng làm cho 4,5 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Nhiều thành phố như Kolkata, Shanghai, Bangkok, Yangon và Manila trước nguy cơ bị đe dọa do mực nước biển dâng cao. Nhiều người ở thành phố không được tiếp cận đầy đủ với nước sạch, chăm sóc sức khỏe, hệ thống vệ sinh đảm bảo hay thiếu nhà ở cũng nhiều cơ sở hạ tầng khác...

Để giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị hóa, Singapore thành lập mạng lưới giao thông liên đô thị rất chặt chẽ. Các dịch vụ tiện ích, sức khỏe và giáo dục được thiết lập để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao một cách hiệu quả và linh hoạt. Ngoài ra, nhiều công viên hay các khu vực cây xanh ra đời vừa cung cấp nơi để người dân giải trí, vừa giữ không khí trong sạch hơn. Tháng 9.2014, Cơ quan quản lý xây dựng Singapore công bố kế hoạch tổng thể  “Xây dựng xanh” lần thứ ba tại quốc đảo Sư tử trong 5-10 năm tới, với các tòa nhà sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn “phủ xanh” nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm triệt để nước và đảm bảo chất lượng tốt của không khí trong tòa nhà, cắt giảm khí thải.

Chính quyền bang Bhopal của Ấn Độ vừa mới làm sạch hồ Upper từng nổi tiếng thu hút khách du lịch nhưng trong những năm qua đã bị ô nhiễm nặng. Các hệ thống bơm nước, xử lý nước thải, ô nhiễm ở hồ được cải thiện giờ đây không những trả lại vẻ đẹp vốn có của Upper mà hơn 6 triệu người dân của Bhopal được cung cấp nước sạch mỗi ngày. Hay một nhà máy nhiệt điện bằng nguồn vốn tư nhân ở miền trung bang Bhutan không chỉ giúp Ấn Độ giảm tải việc thiếu hụt điện năng mà còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, cắt giảm khí thải ô nhiễm thay cho các nhà máy điện chạy bằng than đá.

Để các đô thị tương lai vốn đông đúc dân số tránh được những rủi ro về con người và cơ sở hạ tầng từ biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ADB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị cần đặt các chiến lược giảm thiểu tác động của thiên tai như lắp đặt các hệ thống cảnh báo thiên tai sớm, kế hoạch phản ứng thiên tai khẩn cấp. Bởi vậy, châu Á mỗi năm cần nguồn vốn khoảng 100 tỷ USD để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đô thị.

NAM VIỆT

NAM VIỆT