Xây gươl trong trường học

ANH ĐÔNG 13/01/2015 09:52

Huyện Nam Giang đang đẩy mạnh xây dựng gươl ngay trong khuôn viên nhà trường để làm nơi tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, nhằm đưa văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến gần với các em.

Vơi nỗi nhớ nhà

Đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê – Đắc Tôi vào thời điểm có tiết sinh hoạt ngoại khóa tại gươl, các học sinh tiểu học nơi đây với những bộ quần áo nhiều màu sắc rực rỡ của đồng bào Cơ Tu, Tà riềng, Ve đang cười nói rất vui vẻ khi tham gia trò chơi “Đèn xanh đèn đỏ” để tìm hiểu về Luật An toàn giao thông. em Alăng Thị Cẩm Anh (học sinh lớp 5) cho biết: “Chúng em học bán trú tại trường từ thứ Hai đến thứ Sáu mới trở về nhà nên nhiều lúc rất nhớ cha mẹ và bản làng. Từ khi có gươl trong trường, chúng em rất thích ra đây chơi những lúc ngoài giờ lên lớp và cũng cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn trước”.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê sinh hoạt trong gươl của trường.    Ảnh: A.ĐÔNG
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê sinh hoạt trong gươl của trường. Ảnh: A.ĐÔNG

Gươl tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê – Đắc Tôi do nhà trường đề xuất ý tưởng và được Ban cha mẹ học sinh của trường hưởng ứng nhiệt tình, bắt tay cùng xây dựng. Tất cả nguyên vật liệu đều được Ban cha mẹ học sinh của trường phân công cho phụ huynh các lớp phụ trách chuẩn bị nên chỉ trong thời gian ngắn, ngôi nhà truyền thống này đã hoàn thành trong niềm vui của thầy và trò nơi đây. Hàng năm, Ban cha mẹ học sinh của trường đều tiến hành tu bổ và thay thế những phần bị hư hỏng do thời tiết để ngôi nhà luôn vững chãi, làm nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống cho con em học sinh của mình. Cô giáo Kring Lưu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê – Đắc Tôi cho biết: “Các em học sinh ở đây phải đi học bán trú xa gia đình khi còn rất nhỏ, việc dựng gươl giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, đồng thời cũng là không gian gần gũi để các em vui chơi sinh hoạt ngoài giờ. Nhà trường thường tổ chức lễ kết nạp đội viên mới, tổ chức sinh nhật cho học sinh ngay tại gươl này, qua đó góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện với học sinh”.

Gươl từ lâu cũng trở thành không gian gắn bó đối với các học sinh người dân tộc thiểu số tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở cụm xã Cha Vàl - Zuôih. Gươl của trường được xây dựng hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trong tháng 11 vừa qua như một món quà ý nghĩa mà cha mẹ phụ huynh các em dành tặng nhà trường. Hàng tháng, nhà trường đều tổ chức một buổi sinh hoạt cộng đồng tại gươl, mời các già làng uy tín trong những thôn bản ở gần trường đến để kể những câu chuyện cổ của đồng bào, hướng dẫn các học sinh cách đánh cồng chiêng hoặc múa tung tung da dá… Gần đây nhất nhà trường đã phối hợp với nhân dân các thôn bản xung quanh tổ chức lễ hội mừng lúa mới ngay tại gươl của trường với nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như thi múa, thi làm các món ăn truyền thống của các dân tộc anh em.

Lưu giữ văn hóa

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 2 trường xây dựng Gươl, đó là Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở cụm xã Cha Vàl - Zuôih và Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê – Đắc Tôi. Việc xây dựng gươl trong các trường học là chủ trương của ngành giáo dục huyện nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” của Bộ GD-ĐT phát động. Đồng thời, nhằm giáo dục truyền thống văn hóa, ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu đối với học sinh trong các trường học.

Ngoài việc xây dựng gươl trong các trường học, thời gian qua ngành giáo dục Nam Giang cũng đã phát động tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện tổ chức đưa điệu múa tung tung da dá của đồng bào Cơ Tu dạy cho học sinh. Đặc biệt, hiện nay tại 2 trường mẫu giáo Tà Bhing và Chà Vàl đã thành lập được “Đội cồng chiêng nhí”, đã tham gia biểu diễn tại một số chương trình văn nghệ của địa phương và được đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng các gươl còn gặp nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào kinh phí của các trường và sự hỗ trợ của địa phương. Đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc các trường phải thực hiện, tuy nhiên do thấy được hiệu quả của vấn đề này, Phòng GD-ĐT huyện Nam Giang vẫn ra sức vận động các trường học còn lại thực hiện theo mô hình này. “Việc xây dựng gươl trong trường học hay đưa điệu múa, điệu nhảy của đồng bào Cơ Tu vào trường học là các hình thức nhằm giáo dục ý thức bảo tồn, lưu giữ văn hóa của dân tộc đối với học sinh bản địa. Đặc biệt, các gươl đã trở thành điểm sinh hoạt ngoại khóa thú vị, giúp học sinh có thêm tinh thần học tập, rèn luyện” - ông Bình cho biết.

ANH ĐÔNG

ANH ĐÔNG