Bài toán giảm nghèo cho miền núi

ALĂNG NGƯỚC 13/01/2015 08:48

Công tác giảm nghèo ở địa bàn miền núi trong tỉnh đang có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đáp ứng với tình hình thực tế hiện nay và cần đến bài toán mới phù hợp, bền vững hơn.
Có chuyển biến

Không thể phủ nhận những đổi thay sau các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa bàn miền núi của tỉnh trong trong thời gian qua. Từ việc đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng, hình thành các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cho đến việc đổi mới phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi… đã tạo tính đột phá, giúp miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, từ các chương trình, chính sách đầu tư đã giải quyết được các yêu cầu bức xúc, thiết thực; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, giảm nghèo; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào miền núi. Trong đó, việc thực hiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư đã tạo điều kiện cho các huyện miền núi chủ động lồng ghép, điều chuyển nguồn vốn, từng bước đưa chính sách đi vào đời sống người dân. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm từ 42,77% (năm 2013) xuống còn 37,26% vào năm 2014; nâng thu nhập bình quân trên đầu người mỗi năm ước đạt khoảng 6,62 triệu đồng.

Đồng bào vùng cao phát triển ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào vùng cao phát triển ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Kết quả đạt được đã phản ánh rõ nét sự chuyển biến trong nhận thức và tư duy sản xuất ở vùng đồng bào DTTS, bước đầu đã hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu như mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2  ở huyện Bắc Trà My; mô hình trồng cây đẳng sâm, ba kích, chăn nuôi gia súc tập trung ở huyện Tây Giang; mô hình trồng quế Trà My, sâm Ngọc Linh, cây bời lời đỏ ở huyện Nam Trà My; hay mô hình phát triển cây cao su tiểu điền ở các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức… Ông Đoàn Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, diện mạo của miền núi được khởi sắc từng ngày là nhờ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ cho vùng đồng bào DTTS. Là một trong 3 huyện nghèo, những năm qua Phước Sơn đã tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu giảm nghèo, Chương trình 30a, 135… để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, Phước Sơn đã hoàn thành hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã vùng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của đồng bào. “Ngoài Phước Lộc, hệ thống điện lưới quốc gia cũng được đưa về các xã, phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nhờ vậy, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có bước phát triển vượt bậc, nâng cao thu nhập và góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện theo chương trình mục tiêu nông thôn mới” - ông Thông nói.

Chưa bền vững

Hơn 700 triệu đồng giúp đồng bào miền núi
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 22.10.2012 của Tỉnh ủy và Công văn số 4205/UBND-KTN ngày 2.11.2012 của UBND tỉnh về công tác kết nghĩa giúp đỡ các xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh, đến nay công tác này vẫn luôn được duy trì với 72 đơn vị thuộc các sở, ban ngành của tỉnh. Năm 2014, bằng nhiều chương trình ý nghĩa, các đơn vị đã hỗ trợ đồng bào miền núi số tiền 706 triệu đồng, giúp đồng bào có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.

Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nhận xét, những năm qua mặc dù cuộc sống người dân miền núi đang từng ngày được nâng cao nhưng xét cho cùng vẫn chưa đáp ứng với mục tiêu phát triển kinh tế hiện nay. Tình trạng đất rừng bị xâm hại do việc khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép ngày càng nhiều, khiến nhiều vùng đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Do vậy, theo ông Tài, bài toán giảm nghèo bền vững chỉ được giải khi người dân có đất sản xuất, có vốn đầu tư, cũng như ổn định cuộc sống lâu dài. Ông Tài cũng đưa ra ví dụ chứng minh sự bất cập trong công tác tái định cư cho đồng bào miền núi bị ảnh hưởng từ các dự án thủy điện trên địa bàn. Sự tính toán bố trí dân cư chưa phù hợp, người dân thiếu đất sản xuất… là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hộ dân chưa thể thoát nghèo bền vững. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để người dân miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, các địa phương cần mạnh dạn giao các xã làm chủ đầu tư những chương trình, dự án; đồng thời chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, từ việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, các huyện miền núi cũng cần quan tâm đến các mô hình giao đất giao rừng cho hộ, nhóm hộ đồng bào DTTS nhằm vừa giữ rừng, vừa tạo ra sinh kế, phương án sản xuất bền vững cho người dân bản địa.

Tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2014 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đánh giá cao những nỗ lực của các huyện miền núi trong công tác chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS. Đồng thời nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi đã góp phần xây dựng vùng biên vững chắc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu thắng lợi chung của tỉnh. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đề nghị các huyện miền núi cần tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ; phấn đấu thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững trong tương lai. “Bức tranh miền núi có nhiều khởi sắc, tạo được sự ổn định trong đời sống người dân, khẳng định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng biên giới. Phát triển vùng đồng bào DTTS cần gắn với các chính sách đầu tư theo các cơ chế đặc thù, đem lại hiệu quả thiết thực và bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC