Nỗi lo ô nhiễm

HOÀI NHI 12/01/2015 09:24

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi đã có bước chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và giúp kinh tế hộ phát triển đáng kể. Tuy nhiên, cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra, làm phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Mấy năm gần đây, thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) là một trong những nơi có ngành chăn nuôi phát triển mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hộ dân vẫn chưa chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Bà Nguyễn Thị Thôi - người dân địa phương cho biết, lâu nay gia đình bà thường nuôi 4 con heo thịt, 4 con bò và gần 200 con gà. Do diện tích đất chật hẹp nên bà Thôi xây dựng chuồng trại ngay cạnh nhà. Vì thế mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, còn mùa mưa thì phân, nước thải chảy ra môi trường. Bà Thôi nói: “Đã nhiều lần tôi tính xây dựng hầm khí biogas nhưng chi phí ước tính mười mấy triệu đồng, trong khi đó điều kiện kinh tế còn quá khó khăn nên đành gác lại và phải chấp nhận sống chung với tình trạng ô nhiễm”.

Xử lý mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.
Xử lý mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Có thể nói, vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều năm nay xã Duy Trinh thường xuyên xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia cầm. Chỉ riêng năm 2014, vi rút cúm A/H5N1 tái bùng phát ở thôn Chiêm Sơn làm hơn 14 nghìn con vịt của nhiều hộ dân bị nhiễm bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Theo ngành chuyên môn, khu vực từ cầu Chiêm Sơn đến bến Giá Ngự có nhánh sông Thu Bồn chảy qua từng xảy ra nhiều đợt dịch, trong khi đó đây lại là vùng luôn có nước tù đọng khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số người dân sống ở những vùng lân cận thiếu ý thức thường hay vứt xác súc vật chết ra nơi này, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh lây lan. Được biết, xã Duy Trinh hiện có khoảng 15 gia trại chăn nuôi gà vịt và 4 gia trại chăn nuôi heo, tất cả đều đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Riêng các hộ dân nuôi quy mô nhỏ hàng ngày vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí.

Việc phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: HOÀI NHI
Việc phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: HOÀI NHI

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp Duy Xuyên, tính đến đầu tháng 1.2015 toàn huyện có tổng cộng 38.700 con gia súc và gần 289.000 con gia cầm các loại, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Thu, Duy Sơn, Duy Tân, Duy Phước, Duy Thành, Duy Nghĩa… Trong tổng số hơn 15.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện có 8 trang trại và hơn 400 gia trại được đầu tư quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, còn lại chủ yếu xây dựng chuồng trại trong vườn nhà, chất thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay tại 18 huyện, thành phố của tỉnh có khoảng 144.000 con bò, 70.400 con trâu, 510.000 con heo và 5,6 triệu con gia cầm. Qua khảo sát cho thấy số lượng gia súc, gia cầm vừa nêu nuôi theo hình thức trang trại và gia trại chỉ chiếm chừng 5%, còn lại nuôi theo phương thức nhỏ lẻ trong nông hộ. Ông Muộn nói: “Có một thực tế rất đáng lo ngại là, phần lớn gia súc, gia cầm nuôi trong nông hộ đều không có chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh, lại nằm phân tán trong các khu đông dân cư. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải và chất thải chưa được đầu tư xây dựng. Chính vì thế, ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Cần nói thêm, tình trạng đó không chỉ xảy ra ở khu vực nông thôn mà ngay cả những thị trấn, thị tứ và thậm chí tại các thành phố cũng rất phổ biến”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng được hơn 500 hầm khí biogas và 10 chuồng trại nuôi heo sử dụng nền đệm lót sinh học. Thế nhưng, số hầm khí biogas và chuồng nuôi sử dụng nền đệm lót sinh học vừa nêu chỉ chiếm một phần nhỏ trong hình thức chăn nuôi nông hộ ở huyện Duy Xuyên. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường do lĩnh vực này gây ra vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Ông Ngọc nói thêm: “Hiện nay tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tình trạng ô nhiễm môi trường chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ, bởi lẽ điều kiện kinh tế còn eo hẹp nên họ chưa thể đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Để giải quyết bài toán này chỉ còn cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng cần thực hiện thường xuyên để hạn chế xảy ra dịch bệnh. Đồng thời cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung chứ bây giờ mà xử lý mạnh tay đối với hình thức chăn nuôi nông hộ thì rất khó”.

Theo ông Lê Muộn, mặc dù những năm qua chính quyền các địa phương có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí nhằm giúp người dân có điều kiện đầu tư xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý nước thải và chất thải trong chăn nuôi nhưng thực tế thì số lượng hầm biogas được lắp đặt không nhiều. Ông Muộn nói: “Theo thống kê thì tính đến thời điểm này người dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 6 nghìn hầm biogas. Tuy nhiên, con số đó mới chỉ chiếm không quá 5% trong hình thức chăn nuôi nông hộ”.

HOÀI NHI

HOÀI NHI