Thời điểm khó khăn của đồng euro
Một thông tin tiền tệ thu hút sự quan tâm đặc biệt của các trang báo, cộng đồng thế giới trong những ngày qua là việc đồng tiền chung châu Âu (euro) bị rớt giá kỷ lục trong vòng hơn 9 năm qua.
Vào đầu năm 2002, đồng euro chính thức được phát hành rộng rãi tại châu Âu. Đến nay đã có 18 nước khu vực châu Âu sử dụng tiền tệ chung euro (eurozone). Việc ra đời của đồng euro được hy vọng sẽ thúc đẩy thương mại đầu tư giữa các thành viên eurozone thêm vững mạnh. Euro còn được xem như biểu tượng về bản sắc thống nhất của eurozone. Khi ra đời, 1 euro gần bằng 1USD và tiếp tục tăng giá trị. Có lúc, 1 euro đổi được 1,6USD. Dù eurozone chỉ chiếm 16,5% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng đồng euro lại chiếm tới 27% dự trữ ngoại hối của thế giới.
Đồng euro mất giá kỷ lục so với đồng USD. |
Sau gần 15 năm lưu hành, số phận của đồng euro đang trong giai đoạn bấp bênh. Tỷ giá giao dịch của đồng euro trên toàn cầu hiện nay rơi xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, 1 euro đổi được 1,1842USD. Bên cạnh tình hình thế giới nhiều bất ổn khiến giới đầu tư quay sang tìm nơi “trú ẩn” ở đồng USD thì một nguyên nhân khác khiến đồng euro mất giá so với đồng USD là vì chính sách lãi suất. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ dự định nâng lãi suất cơ bản gần như bằng 0% trong 6 năm qua trong khi Ngân hàng châu Âu muốn giữ lãi suất thấp (0,05%) ở khu vực eurozone trong thời gian tới. Lúc này, tỷ lệ dự trữ đồng euro tại các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã giảm mạnh nhất trong vòng ba năm qua.
Ngoài ra, trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vừa qua, một số thành viên còn đe dọa rút khỏi đồng tiền chung euro khi không muốn nhận sự cứu trợ từ khu vực hay các tổ chức tài chính quốc tế vốn luôn đi kèm với các chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Nếu như có sự ra đi của một số thành viên thì chắc chắn tương lai của euro không tránh khỏi những điều tồi tệ. Cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi cuộc bầu cử Quốc hội của Hy Lạp vào ngày 25.1 tới bởi không ít người lo ngại rằng, nếu đảng đối lập Syriza thắng cử thì Hy Lạp rơi vào vỡ nợ và phải rời eurozone, theo như phát ngôn của lãnh đạo Syriza. Khi đó, eurozone không tránh khỏi sự bất ổn được cho là khá nghiêm trọng trên thị trường tài chính khu vực. Vì vậy, các chính trị gia châu Âu cũng phải tính đến các biện pháp thỏa hiệp để giữ Hy Lạp trong eurozone.
Nhiều nhà phân tích kinh tế khẳng định, eurozone đang chứng kiến sự bấp bênh đáng báo động hay thảm họa của của tỷ giá đồng euro nhưng việc dẫn đến sự sụp đổ của tiền tệ này không phải dễ dàng. Nhà lãnh đạo các nước trong khu vực eurozone sẽ cùng ngồi vào bàn để xem xét lại hệ thống đồng tiền euro, tìm ra những khiếm khuyết và khắc phục được các điểm yếu này sẽ giúp cho đồng euro vững mạnh hơn. Trong đó, việc kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực eurozone là không thể thiếu.
NAM VIỆT