Khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 4: Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn
Sau hơn 8 năm tái định cư, hầu hết hộ dân nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn) lâm vào cảnh khó khăn, nhất là về mặt sinh kế và môi trường.
Sinh kế không đảm bảo
Để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, từ năm 2006 gần 100 hộ dân Bh’noong ở thôn Nước Lang (xã Phước Xuân) và thôn 2 (xã Phước Hòa, Phước Sơn) phải di dời về nơi ở mới và nhường hơn 60ha đất sản xuất. Trong quá trình di dân tái định cư, các hộ dân đã được đền bù, hỗ trợ nhà ở cũng như các điều kiện sinh sống khác. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm tái định cư, hầu hết hộ dân ở 2 thôn đều rơi vào tình cảnh cuộc sống nơi ở mới khó khăn hơn nơi ở cũ. Ông Hồ Văn Thành - Trưởng thôn 2, xã Phước Hòa cho biết: “Khi chưa có thủy điện, cuộc sống người dân chúng tôi cũng có khó khăn nhưng đời sống tương đối ổn định, có vườn cây ăn quả, cây keo, có nước suối để sinh hoạt, nhà cửa thì ít nhất cũng có 2, 3 phòng cho con cái ngủ. Bây giờ thì khổ hơn rất nhiều, nước thủy điện ngập lên làm cây cối mục úng gây hôi thối không thể chịu được, trong khi đó nguồn nước sinh hoạt do thủy điện làm cho dân ở khu tái định cư thường xuyên bị hư hỏng và hơn một năm nay thì ngừng hoạt động, người dân phải lặn lội 3km tới suối Bà Lau để gánh nước về sử dụng. Điều kiện sinh hoạt bức bách, ngột ngạt, rất nhiều trẻ nhỏ bị bệnh ngoài da, ngứa ngáy do ít tắm rửa, giặt giũ, người lớn thì ngán ngẫm cho rằng đi làm thuê sướng hơn ở nhà vì điều kiện dùng cái gì cũng thoải mái, nhất là nước sinh hoạt”.
Điều kiện sinh sống của người dân khu tái định cư thôn 2, xã Phước Hòa gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.Y |
Thời gian này, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện người dân hối hả gieo sạ, trồng rau màu vụ đông xuân nhưng tại khu dân cư thôn 2 (xã Phước Hòa) nhiều người phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Gặp chúng tôi khi vừa đi làm thuê ở xã Phước Thành trở về, chị Nguyễn Thị Bình Nhân (thôn 2, xã Phước Hòa) cho biết: “Trước đây khi ở khu nhà cũ, mình có rất nhiều công việc để kiếm ra tiền như bắt ốc, bứt mây, lá nón, làm bời lời..., chưa kể làm rẫy, làm lúa có lương thực dự trữ. Từ khi chuyển qua khu tái định cư mới này, cuộc sống vất vả lắm, mất đất lúa, người dân chúng tôi phải mua gạo về ăn, mọi kế sinh nhai cũng không còn nữa, giờ hầu hết người dân cụm dân tái định cư chỉ biết làm thuê vác keo, lột keo cho người ta để kiếm sống”. Còn theo anh Hồ Văn Tiên (khu tái định cư thôn Nước Lang, xã Phước Xuân), khó khăn nhất vẫn là thiếu đất ở và đất sản xuất. Những cặp vợ chồng mới cưới trong thôn rất muốn tách hộ cũng không có đất mà làm nhà mới nói gì đến đất để sản xuất. Cụm dân tái định cư thôn 2, xã Phước Hòa có 41 hộ dân sinh sống giờ tăng thêm 19 hộ, nhiều hộ phải sống chung một nhà như hộ bà Hồ Thị Nhi (70 tuổi), nhà có 7 người nhưng chỉ có 1 phòng ngủ.
Sẽ sớm khắc phục khó khăn
“Thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, nhà ở chật chội, không có đất chăn nuôi trâu bò, ô nhiễm môi trường, người dân rất khó tìm được việc làm… là vấn đề rất cần được các cấp ban ngành quan tâm để người dân có được một cuộc sống tốt hơn”. (Ông Hồ Văn Thành - Trưởng thôn 2, xã Phước Hòa) |
Trước thực tế trên, vừa qua UBND huyện Phước Sơn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (thuộc Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật Thừa Thiên Huế) tổ chức hội thảo nghiên cứu biến động về môi trường và cuộc sống của người dân ở các khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 4. Buổi hội thảo có sự góp mặt của nhiều người dân đang sinh sống tại các khu tái định cư. Tại hội thảo này, nhiều hình ảnh do chính người dân thu thập được qua nhiều tháng thực hiện “Chương trình nghiên cứu biến động về môi trường và cuộc sống người dân ở các khu tái định cư” được trình bày là những bằng chứng cụ thể cho thấy việc xây dựng thủy điện đã có tác động không nhỏ đối với môi trường và đời sống người dân.
Trước các vấn đề người dân nêu ra tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thoại, đại diện Ban quản lý nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 nêu ý kiến: “Trong những năm qua, thủy điện Đăk Mi 4 đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phước Sơn. Chúng tôi đã cố gắng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định đối với bà con vùng tái định cư. Thế nhưng thực tế vẫn khó đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cuộc sống của người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lên phương án nhằm hỗ trợ, khắc phục những khó khăn của người dân vùng tái định cư, đặc biệt là xây dựng lại hệ thống nước sinh hoạt, đồng thời có phương án đào tạo việc làm để giúp bà con có kế sinh nhai”. Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho rằng những vấn đề mà người dân nêu ra tại hội thảo là những câu chuyện xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của họ. Vì vậy, những nghiên cứu biến động về môi trường và cuộc sống của người dân ở các khu tái định cư thủy điện được nêu ra tại hội thảo lần này sẽ giúp các bên liên quan thu nhận các thông tin chi tiết về những tác động của thủy điện. Về phía huyện sẽ tiếp tục đôn đốc thủy điện Đăk Mi 4 thực hiện nghĩa vụ, sớm khắc phục những khó khăn của người dân đang gặp phải.
H.YÊN - P.TRỌNG