2015: Năm Quốc tế về đất đai
Mặc dù đất đai đem lại sự sống cho trái đất cùng hàng tỷ người sinh sống, nhưng thế giới dường như đã không chú trọng đúng mức để bảo vệ nó.
Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) phát động chiến dịch toàn cầu chọn 2015 là năm Quốc tế về đất đai nhằm bảo vệ “đồng minh thầm lặng” - như cách gọi của Tổng Giám đốc FAO, José Graziano da Silva. Trong tuyên bố chương trình hành động quốc tế vào tháng 12.2014 nhân phát động năm Quốc tế về đất đai 2015, FAO nêu lên thực trạng đáng quan tâm khi thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều người đang đối mặt với nạn đói và suy dinh dưỡng. Dân số thế giới ngày một tăng đòi hỏi nhu cầu cung cấp sản lượng lương thực ngày càng cao trong khi hoạt động sản xuất này phụ thuộc chủ yếu vào diện tích cũng như chất lượng hiệu quả của đất đai. Bên cạnh đó, đất đai còn mang lại cho nhân loại nhiều giá trị to lớn khác như hỗ trợ sự sinh trưởng của thực vật, các loài thực vật sinh trưởng lại cung cấp thức ăn và ôxy cũng như hấp thụ điôxít cácbon.
FAO lo ngại đất nông nghiệp bị thu hẹp và xuống cấp.(Nguồn ảnh:bluegoldbd) |
Tuy nhiên, thống kê của FAO cho thấy khá rõ rằng, hiện nay có đến 33% diện tích đất trên toàn cầu hiện nay, trong đó phần chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất lương thực trên toàn cầu bị xuống cấp trầm trọng hay bị mất đi do hiện tượng đô thị hóa ồ ạt, sa mạc hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức, việc sử dụng và quản lý đất đai thiếu hiệu quả, không bền vững. Đây là nguyên nhân chủ yếu trong việc giảm năng suất sản lượng lương thực toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cảnh báo, nếu nguồn đất, như đất nông nghiệp không được sử dụng hợp lý và quản lý tốt có thể đe dọa môi trường và xã hội.
Như mới đây, Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti cho biết, trong vòng 20 năm qua, diện tích đất trồng trọt của Italy giảm khoảng 15%, tức giảm 2 triệu héc ta, để nhường chỗ cho việc xây dựng các công trình mới hoặc bị bỏ hoang khiến khoảng 1,2 triệu nông trại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, đất canh tác bị xuống cấp về chất lượng cùng với diễn biến khí hậu khắc nghiệt làm cho khoảng 5 triệu nông dân luôn phải đối mặt với nguy cơ lở đất và lụt lội. Do vậy, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon khẳng định, nếu cộng đồng quốc tế không hành động để đảo ngược diễn biến hiện nay là kiểm soát và đảo ngược xu thế sa mạc hóa, ngăn chặn tác động của hạn hán và phục hồi diện tích đất canh tác bị suy thoái, thế giới sẽ không thể tăng 70% sản lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu của 9 tỷ người vào năm 2050. Nguồn an ninh lương thực thế giới vì thế không được đảm bảo cũng như cải thiện cuộc sống của người dân nghèo, đáp ứng với mục tiêu của Thiên niên kỷ đề ra.
Năm Quốc tế về đất đai 2015, FAO khuyến nghị chính phủ và người dân các nước trên thế giới nhận thức đầy đủ hơn nữa về vai trò và thực trạng nguồn đất đai hiện nay trên thế giới để quản lý và sử dụng nguồn đất một cách hiệu quả, chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trái đất.
QUỐC HƯNG