Tập huấn cho cán bộ thư viện và điểm bưu điện văn hóa xã
Sáng 5.1, Thư viện tỉnh phối hợp với Trung tâm Thông tin học liệu Đại học Đà Nẵng khai giảng chương trình đào tạo cán bộ chuyên môn tại thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã.
Theo kế hoạch, chương trình được tổ chức làm 3 khóa, mỗi khóa có thời gian đào tạo 4 - 5 tháng. Trong quá trình học, các học viên sẽ được thực hành trên máy tính có kết nối Internet. Chương trình đào tạo cán bộ chuyên môn tại thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã thuộc bước 3, giai đoạn II của dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ nước ngoài Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) tài trợ. Dự án được triển khai tại 400 điểm thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện) và 1.500 điểm bưu điện văn hóa xã và thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Dự án có thời gian thực hiện 5 năm (2011 - 2016) với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD. Trong đó BMGF tài trợ không hoàn lại gần 30 triệu USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft hơn 3,6 triệu USD và hơn 16,9 triệu USD vốn đối ứng của phía Việt Nam. Tại Quảng Nam có 15 huyện thụ hưởng dự án trên và được triển khai tại 71 điểm thư viện công cộng, bưu điện văn hóa xã với 465 máy tính kết nối Internet băng thông rộng và các thiết bị phụ trợ.
Mục tiêu lâu dài của dự án nhằm góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin máy tính và Internet cho các thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hóa xã với tầm nhìn mới. Tập trung hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin và được hưởng những lợi ích về kinh tế - xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại, qua đó có thể giúp người dân cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã thay đổi cách thức hoạt động và phục vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kỹ năng phục vụ, góp phần thúc đẩy giảm bớt sự bất bình đẳng về “khoảng cách số” giữa các vùng dân cư về việc hưởng lợi từ các thành quả do công nghệ thông tin và truy nhập Internet mang lại.
V.T