Phổ cập giáo dục ở Điện Bàn
Thực hiện đề án Phổ cập giáo dục (PCGD) THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học trên địa bàn huyện giai đoạn 2004 - 2015, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn huyện Điện Bàn đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn.
Điện Bàn hiện có 16/16 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trần Phú (xã Điện Hòa) tham gia dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà trường. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nhiều cách làm hay
Dù gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện đề án do cơ sở vật chất trường lớp hạn chế, điều kiện học tập thiếu thốn, nhiều học sinh phải bỏ học để mưu sinh…, tuy nhiên, nhận thức được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PCGD, thời gian qua Điện Bàn đã huy động được nhiều nguồn lực to lớn thực hiện có kết quả các tiêu chuẩn đề ra với tỷ lệ và chất lượng tăng cao hàng năm. Đến năm 2013, toàn huyện có 20/20 xã, thị trấn hoàn thành PCGD THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học, đạt tỷ lệ 100%, về đích sớm 2 năm. Nhiều địa phương đi đầu trong công tác PCGD THCS đúng độ tuổi đạt kết quả cao như thị trấn Vĩnh Điện, các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện Minh… Tại nhiều nơi, PCGD đã trở thành một tiêu chí quan trọng để xếp loại thi đua hàng năm trong các chi bộ, gia đình văn hóa cũng như của các tổ chức đoàn thể từ thôn đến xã.
“Việc Điện Bàn hoàn thành PCGD THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học trước hai năm so với mục tiêu đề án của huyện đặt ra là một thành tích rất đáng khích lệ, trở thành mô hình tốt cho các nơi khác học tập. Đây là địa phương dẫn đầu của tỉnh về việc hoàn thành phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học. Điều này cho thấy sự quan tâm và coi trọng của địa phương đối với vai trò của giáo dục cũng như những lợi ích mà giáo dục mang lại”. (Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT) |
Theo ông Trần Bường - Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo PCGD xã Điện Minh cho biết, từ năm 2007 địa phương đã xây dựng đề án về phổ cập bậc trung học, trong đó Trường THCS Lý Tự Trọng hỗ trợ thực hiện việc điều tra, xử lý số liệu, thống kê, cung cấp danh sách học sinh bỏ học để Ban chỉ đạo xã có kế hoạch phân công các ban ngành, đoàn thể vận động học sinh lưu ban, bỏ học ra lớp hoặc được tiếp tục theo học tại trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ khuyến học vận động của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, tộc họ… đã giúp đỡ, động viên khuyến khích kịp thời nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường và vươn lên trong học tập. “Đảng bộ xã Điện Minh những năm qua luôn đưa chỉ tiêu PCGD thành tiêu chí để xếp loại chi bộ trong sạch vững mạnh, UBND xã đưa chỉ tiêu phổ cập thành tiêu chí để công nhận gia đình văn hóa, thôn văn hóa” - ông Bường nói.
Ngoài ra, thông qua các hội, đoàn thể đều có những phong trào riêng hướng tới PCGD như hội phụ nữ với phong trào “Phụ nữ cho con đi học đúng độ tuổi, không để con bỏ học”; hội nông dân với phong trào “Nông dân cho con đi học đúng độ tuổi, không để con bỏ học” gắn với việc vay vốn trong chương trình xóa đói giảm nghèo nhằm tạo điều kiện cho con em học tập. Trong khi đó, Đoàn thanh niên xã triển khai việc điều tra nắm chắc số lượng đoàn viên, thanh thiếu niên trong diện phổ cập THCS theo các độ tuổi, qua đó có những biện pháp động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh thiếu niên phấn đấu học tập… Với những cách làm đó, đến nay huyện Điện Bàn vẫn duy trì tốt kết quả đã đạt được.
Dẫn đầu toàn tỉnh
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án PCGD THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học do UBND huyện Điện Bàn vừa tổ chức, hiệu quả của công tác PCGD một lần nữa được các đại biểu khẳng định như là một trong những điều kiện quan trọng giúp đào tạo nên đội ngũ lao động có học thức và tri thức, tạo tiền đề để Điện Bàn phát triển một cách vững chắc, toàn diện về kinh tế - xã hội. Ông Trương Công Nên - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Điện Bàn cho hay, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện đề án đã cơ bản giúp địa phương hoàn thiện và ổn định quy mô trường lớp; đặc biệt, 5 trường THPT được phân bố đều ở các cụm xã, thị trấn là một thuận lợi rất lớn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường học cũng được đầu tư kiên cố, tầng hóa theo hướng trường chuẩn quốc gia với không gian an toàn, thoáng mát, thiết bị dạy học được đầu tư đảm bảo chuẩn theo danh mục tối thiểu do Bộ GD-ĐT ban hành, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học. Tính đến đầu năm học 2014 - 2015, Điện Bàn có 16/21 trường mầm non, 32/32 trường tiểu học, 16/16 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, riêng cấp tiểu học có 17 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Ngoài ra, trong 10 năm qua số học sinh tốt nghiệp THCS được vào học tại các trường THPT công lập, bán công, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề tăng đáng kể. Riêng số học sinh vào trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề đã tăng từ 0,08% năm 2007 lên 3,3% năm 2014, giúp hạn chế số lượng học sinh bỏ học trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nếu năm 2006 toàn huyện chỉ có thị trấn Vĩnh Điện đạt chuẩn phổ cập bậc trung học về trình độ văn hóa, đến năm 2013 có 20/20 xã, thị trấn đạt chuẩn và giữ vững cho đến nay. “Thành công lớn nhất qua 10 năm thực hiện PCGD THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học là đã giúp nâng cao dân trí, chuẩn hóa được nguồn nhân lực lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để Điện Bàn đạt mục tiêu xây dựng thị xã trong năm 2015” - ông Nên nói.
VĨNH LỘC