Họ đã sống như thế

HỒNG VÂN 05/01/2015 09:07

Khi tôi viết những dòng này, Thầy thuốc nhân dân Trang Xuân Chi đang phải vật lộn từng giây phút với sự sống ở Bệnh viện Quân y 13 tại Quy Nhơn, Bình Định. Chia sẻ cùng với gia đình còn có những người bạn của ông từ thời chống Pháp. Sáu mươi năm qua họ vẫn luôn nhớ về nhau.

Bác sĩ Trang Xuân Chi khám bệnh cho bệnh nhân nghèo tại nhà riêng ngày ông còn khỏe. Ảnh: HỒNG VÂN
Bác sĩ Trang Xuân Chi khám bệnh cho bệnh nhân nghèo tại nhà riêng ngày ông còn khỏe. Ảnh: HỒNG VÂN

NGHỆ sĩ nhân dân Tường Vy, Thầy thuốc nhân dân Trang Xuân Chi, các y - bác sĩ Phạm Thu Yến, Nguyễn Thị Thanh Châu, Đoàn Thị Bưởi quen biết nhau trong kháng chiến chống Pháp, từ khi làm ở Viện Quân y 3 (Quân khu 5) và sau khi tập kết ra Bắc. Đều là người con của đất Quảng Nam, họ dành tình thương yêu cho nhau từ ngày ấy cho đến hôm nay khi tất cả đã xấp xỉ tuổi 80.

Một ngày tháng 10.2014, từ Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy nhận cuộc điện thoại khẩn từ Đà Nẵng của bà Thu Yến: “Em ơi! Bác sĩ Trang Xuân Chi bị ung thư gan đang nằm ở Viện 103. Em đến thăm cậu ấy nhé. Mọi người ở nhà rất lo lắng em à”. Bản thân bị bệnh tiểu đường, thoái hóa khớp, hở van tim, suy thận độ 2, đi lại rất khó nhọc, vậy mà ngay hôm đó, nghệ sĩ Tường Vy như quên bản thân, băng bộ đến thăm người anh trai tinh thần của mình. Hai con người nổi tiếng xứ Quảng: một giọng ca vượt thời gian, một bác sĩ được ví như “ông tiên” ôm chầm nhau và khóc nức nở. Mới ngày nào cùng tham gia Hội Chữ thập đỏ, hai người vẫn gặp nhau khi bác sĩ Trang Xuân Chi ra Hà Nội họp hành, trông ông dù mảnh mai vẫn rất chắc khỏe, vậy mà bây giờ...

Ba ngày sau, khi bác sĩ Trang Xuân Chi được đưa về Bình Định, bà Yến, bà Châu bắt tàu vào thăm. Lại những giọt nước mắt chảy không thôi trên những gương mặt đã nhiều nếp nhăn. Với các bà, bác sĩ Chi vẫn là đứa em trai út hiền lành nhưng rất đa mang như ngày nào. Mạnh mẽ khi lên rừng, xuống biển, “tả xung, hữu đột” cứu chữa  bệnh nhân nghèo, vậy mà giờ đây trước các chị, ông trở nên yếu đuối lạ lùng: “Các chị ơi, em đau khắp người. Em không muốn chết. Em muốn sống để giúp đỡ các cháu, nhất là các cháu chất độc da cam”. Bà Yến âu yếm đưa tay xoa nhẹ đôi vai gầy của bác sĩ Chi, động viên: “Em sẽ khỏe và hãy cố lên! Mình là lính quân y mà”.

Trên chuyến tàu tập kết ra Bắc năm ấy, các chiến sĩ Viện Quân y 3 được đưa về Thanh Hóa. Tường Vy (Tam Kỳ), Trang Xuân Chi (Hội An), Yến, Châu, Bưởi (Điện Bàn). Vậy là cả năm người đồng hương quấn quýt như ruột thịt, hứa với nhau dù sau này phân tán thế nào đi nữa vẫn luôn nhớ về nhau. Đều từng trải qua chiến tranh, chịu nhiều mất mát nên họ nguyện sẽ dùng sức lực của mình đem hạnh phúc đến cho người khác. Năm 1958, với giọng hát thiên bẩm, cô y tá Tường Vy “đầu quân” vào Tổng cục Chính trị. Các bà Yến, Châu, Bưởi về mỗi người một bệnh viện trên đất Bắc. Năm 1962, bà Yến vào tuyến lửa khu 4 và gặp bác sĩ Trang Xuân Chi đang cứu chữu thương binh ở đây. Khỏi phải nói họ đã mừng rỡ như thế nào. Sau giải phóng, ngoại trừ nghệ sĩ Tường Vy vẫn ở Hà Nội, 4 người trở về Nam làm ở Bệnh viện Quân y 17 và 13 Quân khu 5. Họ thường xuyên ghé thăm nhau. Những người con của bà Yến, Châu, Bưởi vẫn gọi ông Chi là cậu. Trong nhà bà Yến vẫn còn tấm ảnh cậu Chi chụp với hai con trai bà lúc bé.

Thực hiện lời hứa năm nào ở Thanh Hóa, 5 người lính quân y Quảng Nam ra sức  làm từ thiện. Không chỉ đem giọng hát cao vút làm đẹp cho đời, nghệ sĩ Tường Vy còn sáng lập 3 trung tâm nghệ thuật tình thương ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngày đầu thành lập, bà bán tất cả tư trang để lo cho các cháu. Nhiều trẻ em tật nguyền, thiệt thòi được bà phát hiện, bồi dưỡng đã trở thành những ca sĩ, nhạc sĩ sống được bằng nghề của mình. Hằng năm, dù bệnh tật, bà vẫn dành 3 đợt vào với các cháu, xoay đủ mọi cách để các trung tâm hoạt động. Bác sĩ Trang Xuân Chi - nguyên Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Quân y 13, khi về hưu dành trọn cuối đời cho Hội Chữ thập đỏ và được Nhà nước phong tặng Thầy thuốc nhân dân bởi những đóng góp cho cộng đồng. Ông vừa trực tiếp đi khắp nơi khám bệnh, vừa chụp ảnh, viết báo kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ, vừa liên hệ với các bệnh viện lớn của cả nước đưa các cháu bệnh tim, chất độc da cam ra phẫu thuật. Hai mươi năm qua, ông huy động được hơn 4 tỷ đồng, giúp đỡ hàng nghìn bệnh nhân. Mải rong ruổi với những chuyến đi, ông không để ý bệnh tật của mình, khi biết thì bệnh đã nặng.

Còn bà Phạm Thu Yến - nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Quân y 17, là con liệt sĩ, cháu nội danh sĩ Phạm Liệu, đã lặng lẽ cùng các hội từ thiện, tổ chức nhân đạo ở Đà Nẵng nấu cháo tình thương, khám bệnh người nghèo, thu gom quần áo lên tặng bà con nghèo ở các huyện miền núi Quảng Nam. Y sĩ Nguyễn Thị Thanh Châu, bác sĩ Đoàn Thị Bưởi đều là những người hết lòng vì cộng động, đóng góp nhiệt tình cho các hoạt động từ thiện ở địa phương.

Nghe tin cô em về Đà Nẵng, mới đây, bà Yến nhờ người thân chở đến thăm nghệ sĩ Tường Vy tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương. Những câu nói thốt ra thật cảm động giữa hai người không còn trẻ nữa: “Chị vẫn rất khỏe, đẹp. Em ước gì được như chị. Em phải đi bằng xe lăn để ra sân bay chị à”. “Trang Xuân Chi nghe nói ngày càng yếu em ơi, làm sao bây giờ?!”. “Cầu mong có một phép màu cho anh ấy”… Không gian như chùng xuống, mọi câu chuyện họ nói cũng đều dẫn đến sự âu lo.

Ngoài kia, tiếng đàn của các cháu khuyết tật vang lên như an ủi họ vượt qua thử thách, hãy tiếp tục sống và cống hiến cho quê hương.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN