Sắp xếp dân cư đô thị: Nới rộng "chiếc áo" chật
Dù quy hoạch chưa hẳn hợp lý, song việc sắp xếp dân cư đô thị vào nơi ăn chốn ở ổn định là nỗ lực lớn mà chính quyền các địa phương trong tỉnh đã làm. Sự hình thành các khu phố mới, nhà cửa kiên cố mọc lên… làm cho phố ra dáng hình hơn.
Xóa nhà ổ chuột, chợ đen
Trong ký ức của nhiều người dân phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ), hình ảnh “xóm củi” vẫn còn nguyên vẹn của một khu phố nghèo, nhếch nhác. Đất chật người đông, nhà ổ chuột san sát trong khi không có hệ thống thoát nước và xử lý môi trường đảm bảo. Khu vực đông đúc dân cư nghèo này ngày ngày đối mặt với ô nhiễm nước thải từ bến cá bên đường cầu Kỳ Phú xả xuống. Thế nhưng, dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Tam Kỳ đầu tư đường Bạch Đằng đã giúp cho thành phố triển khai một cuộc sắp xếp dân cư quy mô lớn. Ít nhất 300 hộ dân ở vùng trũng thấp thường hay bị ngập lụt có đời sống khó khăn, nhà cửa tạm bợ thuộc các phường Tân Thạnh, Phước Hòa và Hòa Hương đã lần lượt chuyển đến nơi ở mới khang trang. Con đường “xương sống” Duy Tân, hai cây cầu Kỳ Phú 1&2 chạy xuống biển Tam Thanh mở rộng, xây mới thông thoáng…, thành phố phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ bị ảnh hưởng.
Chính quyền TP.Hội An đang chủ trương giãn dân ở khu vực phố cổ về vùng quy hoạch. |
Trong khi, nhiều dự án đồng loạt triển khai, TP.Tam Kỳ tính toán chọn nơi ở mới cho người dân phải đảm bảo được hạ tầng tối thiểu. Theo ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ, năm 2014, khoảng 2.000 hộ ở nội thị và 30 tổ chức bị ảnh hưởng của các dự án đầu tư, trong đó gần 500 hộ dân thuộc diện phải di dời, bố trí TĐC. Quy hoạch hợp lý, cùng với cố gắng hoàn thiện hạ tầng cơ sở nơi ở mới sẽ giảm áp lực không nhỏ về tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đất đai. Nhiều ngôi nhà ổ chuột, chợ đen tự phát tồn tại lâu đời trong hiện trạng trước đây đã xóa sổ hoàn toàn, chẳng hạn chợ cá cầu Kỳ Phú 1 và thị dân sống gần khu vực này. Các dự án đầu tư năm 2014 gần như tập trung vào cải thiện môi trường, “trang điểm” cho phố. Có thể kể ra như dự án mở rộng quốc lộ 1, cầu Kỳ Phú 1&2 và đường dẫn, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, công trình kè suối Tây Yên, hồ xử lý nước thải phường Hòa Hương. Công trình mở rộng, nâng cấp đường Điện Biên Phủ (đoạn qua các phường An Phú và Tân Thạnh, từ đường Lê Thánh Tông đến đê Bạch Đằng), dự án làng phúc lợi và nghỉ dưỡng Hoa Sen (giai đoạn 1) tại phường An Phú. Bên cạnh mở rộng đường, thành phố tiếp tục khắc phục “điểm nghẽn” khu dân cư 2 bên đường N10 (đoạn từ nút Hùng Vương đến đường N24), khu dân cư Tây An Hà - Quảng Phú… Một số khu dân cư bây giờ đã lấp đầy nhà cửa và rợp bóng cây xanh.
Khi đã sắp xếp dân cư bài bản, đô thị Tam Kỳ đã bắt đầu xây dựng tuyến đường, tuyến phố văn minh. Ảnh: T.HỮU |
Tương tự, tại huyện Điện Bàn, dấu ấn “lột xác” rõ nhất là các đô thị mới ra đời. Để nâng cấp lên đô thị loại IV vào năm 2015, địa phương này đã chủ trương dịch chuyển mở rộng quy mô dân số khu vực nội thị. Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 12 dự án đã, đang triển khai; các khu dân cư thị trấn Vĩnh Điện, các khu TĐC dự án du lịch ven biển và đường cao tốc, các khu dân cư mới từ Điện Phương đến Điện Thắng Bắc… đầu tư hứa hẹn một ngày phố sẽ đẹp, sang hơn.
Phố đẹp, dân vui
“TP. Tam Kỳ cần khoảng 500 lô đất để bố trí tái định cư cho dự án phát triển đô thị loại 2 như mở rộng đường Điện Biên Phủ, kè sông Bàn Thạch... Thực tế đầu tư tái định cư cho các dự án thường chậm hơn so với triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng” (Ông Trần Đình Đức – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ) |
Từ một nổng cát hoang sơ, khối 8 (thuộc phường Thanh Hà, TP.Hội An) đã được chỉnh trang, phát triển thành khu dân cư với nhiều con đường chạy dọc ngang liên kết với phố cổ và xã Điện Nam Đông (Điện Bàn). Không phải bỏ tiền nhiều cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính quyền dành nguồn lực ưu tiên cho kết cấu hạ tầng khu dân cư như điện, đường… Con đường Điện Biên Phủ rộng thoáng với nhiều ngôi nhà cao tầng chẳng khác gì khu đô thị mới. Định cư ở vùng đất này hơn 4 năm, ông Nguyễn Dũng (phường Minh An, TP.Hội An) không giấu được niềm vui. Ông bảo, gia đình trước sinh sống ở “rốn lũ” phường Minh An, có thời điểm vào mùa lũ, phải “di cư” cả nhà đến vùng cao ráo hơn một tháng. Khi Nhà nước bán đất cho người có thu nhập thấp ở Thanh Hà, ông đã quyết định mua và xây nhà ở. “Những người dân nghèo từ các vùng trũng thấp khác trên địa bàn đến đây đều cảm thấy rất hài lòng về chỗ ở mới, dù nhiều hạng mục chưa tốt lắm. Nếu không có khu dân cư dành cho người thu nhập thấp thì không biết bao giờ tôi mới được an cư ổn định” - ông Dũng phấn khởi. Theo chính quyền phường Minh An, hiện có hơn 40 hộ dân thường xuyên bị ngập lụt đã chuyển đến sinh sống ở khu đất dành cho người thu nhập thấp tại phường Thanh Hà và Cẩm Hà. Chủ trương giãn dân ra ngoài khu vực trung tâm của phố cổ đã từng bước bố trí phù hợp. Chính quyền TP.Hội An cho biết thêm, chỉ riêng 2 điểm tái định cư Thanh Hà và Cẩm Hà, giải quyết cho hàng trăm hộ thực sự bức xúc về chỗ ở tại các nơi thường xuyên bị sạt lở trên địa bàn xã Cẩm Kim, hoặc dịch chuyển dân ra khu vực đông đúc như phường Minh An. Khu làng chài Cẩm An do Phòng Tài nguyên – môi trường TP.Hội An làm chủ đầu tư hiện đã bố trí khoảng 600 hộ dân TĐC.
Theo ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, đầu tư hạ tầng của thành phố nhiều năm qua tập trung giải quyết “chiếc áo” quá chật của không gian phố cổ. Phần lớn các công trình, dự án phục vụ mục đích cải thiện môi trường, sắp xếp lại dân cư. Khu làng chài Cẩm An, khu Trảng Kèo, một số khu dân cư mới như Cẩm Phô, Tân Thịnh, Tân Mỹ (xã Cẩm An) đến nay cơ bản ra dáng hình. Thêm vào đó, chính quyền giải quyết dứt điểm tình trạng dang dở hạ tầng ở các khu dân cư mới; cải tạo, nâng cấp, thảm nhựa tất cả tuyến nội thị, trồng cây xanh đường phố. “Những dự án sắp xếp dân cư tạo ra chuyển biến tích cực trong giải quyết vấn đề an sinh xã hội, mở rộng không gian đô thị lên vùng cao ráo, đối phó lâu dài với biến đổi khí hậu” - ông Bay nói.
TRẦN HỮU