Động lực thoát nghèo

DIỄM LỆ 31/12/2014 09:59

Nghị quyết 119 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững dù triển khai chưa đầy nửa năm, nhưng đã được hiện thực hóa theo chiều hướng tích cực.

Xin thoát nghèo

Con bò mà bà Nguyễn Thị Hường (thôn Phái Đông, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) nhận từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang phát triển khá tốt. Bà là người đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Theo bà: “Tôi thực sự mong muốn thoát nghèo lâu rồi, nhưng một mình nuôi 2 con ăn học, lại hay đau ốm. Năm này, con gái lớn đã đi làm, chỉ còn con nhỏ đang đi học cao đẳng, tôi nghĩ mình hoàn toàn có đủ điều kiện thoát nghèo nên tôi đăng ký. Thực là tôi không bao giờ nghĩ thoát nghèo để được khen thưởng hay hưởng ưu đãi này kia, mà chỉ nghĩ mình thoát nghèo được là niềm vui, bởi có ai muốn nghèo mãi đâu”. Khi biết thoát nghèo sẽ được thưởng, vẫn tiếp tục được hưởng một số quyền lợi thiết thực khác về y tế, học phí, vay vốn, bà Hường rất vui. “Nhà nước có thêm chính sách như thế càng giúp những hộ nghèo như tôi có thêm niềm tin và điều kiện để thoát nghèo vĩnh viễn. Tôi còn được cho thêm con bò giống này nữa, nhân thêm điều kiện để làm ăn khá hơn”- bà Hường tâm sự.

Nhiều người dân đã thoát nghèo bền vững từ các chương trình an sinh xã hội. Ảnh: D.L
Nhiều người dân đã thoát nghèo bền vững từ các chương trình an sinh xã hội. Ảnh: D.L

Năm 2014, thôn 5 (xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước) có 15 hộ thoát nghèo trong tổng số 26 hộ nghèo của thôn. Trong đó, có đến hơn một nửa số hộ thoát nghèo có đăng ký. Ông Phan Thanh Cường - Trưởng thôn 5, chia sẻ: “Nếu không có chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, có lẽ thôn 5 sẽ không có bước tiến vượt trội về số hộ thoát nghèo như thế này. Có nhiều hộ thực sự muốn thoát nghèo, nhưng họ chưa dám vì không có đủ điều kiện. Bởi đối với hộ nghèo, con đi học được miễn giảm học phí, có thẻ bảo hiểm y tế, thoát rồi không có những ưu đãi đó. Nhưng giờ, chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất, dù thoát nghèo họ vẫn được hưởng trong thời gian 2 năm một số quyền lợi, nên mới dám đăng ký thoát nghèo. Thực sự đây là chính sách được nhân dân rất quan tâm, rất đồng tình và tôi thấy có sức lan tỏa nhanh, mạnh nhất từ trước đến nay”. Trong việc triển khai cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, thôn 5 đã thực hiện rất kỹ, như hộ đăng ký phải thực sự hội đủ điều kiện mới cho đăng ký, nếu như xét thấy hộ đó không đủ điều kiện nhưng vẫn đăng ký để hưởng lợi thì ban quân dân chính thôn 5 kiên quyết loại ngay từ đầu, nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách được đúng đối tượng, tránh lạm dụng chính sách.

Hợp lòng dân

Cùng với Nghị quyết 119, tháng 8.2014, Huyện ủy huyện Đông Giang còn ra chỉ thị đối với đảng viên là chủ hộ nằm trong diện hộ nghèo thuộc Đảng bộ huyện, nhằm nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước”. Chỉ thị đã nêu rõ đảng viên là hộ nghèo phải giải thích rõ nguyên nhân vì sao nằm trong hộ nghèo, có đăng ký phấn đấu và ấn định rõ thời gian thoát nghèo trước chi bộ nơi đang sinh hoạt. Nếu đảng viên đủ điều kiện thoát nghèo mà không chịu thoát nghèo hoặc cố tình len lỏi vào danh sách hộ nghèo thì sẽ bị các hình thức kỷ luật, thậm chí chi bộ cũng không được công nhận tổ chức đảng trong sạch vững mạnh… Đây được xem là biện pháp quyết liệt của huyện Đông Giang nhằm đưa chính sách vào đời sống. Nhờ vậy, chính sách đã được triển khai quyết liệt và công tâm ở nhiều xã của huyện. Như xã A Ting hiện nay đã hết đảng viên là hộ nghèo, toàn xã có 44 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Minh Bảo - Chủ tịch UBND xã A Ting, cho biết: “Trong 44 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, chúng tôi rà soát lại thì có 2 hộ không đủ điều kiện thoát nghèo mà vẫn đăng ký, nên chúng tôi loại ra, chỉ còn 42 hộ đủ điều kiện và đã thoát nghèo theo đăng ký. Chính sách này triển khai ở miền núi có thể khó hơn đồng bằng, do người dân chưa có tính tự giác cao, còn trông chờ ỷ lại. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Huyện ủy, UBND huyện Đông Giang, cấp xã sẽ cố gắng thực hiện chính sách hiệu quả nhất”.

Nghị quyết 119 đi vào đời sống nhân dân chưa đầy nửa năm từ sau kỳ họp vào tháng 7.2014 của HĐND tỉnh. Thế nhưng toàn tỉnh tính đến hết năm 2014 đã có 5.586 hộ (22.323 nhân khẩu) và 37 thôn đăng ký thoát nghèo bền vững. Chính điều này đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2014 giảm còn khoảng 12%. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, nhận định: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy người dân đón nhận chính sách rất nhiệt tình. Chính sách đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo thêm được một chỗ dựa vững chắc để người dân mạnh dạn hơn trong việc thoát nghèo. Chính sách này đang tạo luồng sinh khí mới cho công cuộc giảm nghèo của Tiên Phước, bởi năm này tỷ lệ hộ nghèo Tiên Phước chỉ còn 13,03%, đã vượt mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là đến cuối năm 2015 còn dưới 15% hộ nghèo. Dự kiến hết năm 2015, Tiên Phước chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo, 12% hộ cận nghèo”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ