Chữ "Thuận"
“Minh bạch, công khai, dân chủ” là những từ được nhắc nhiều nhất trong bài “diễn văn” của người đại diện giới tiểu thương hôm khánh thành chợ mới Nam Phước (ngày 27.12). Không dễ có được cuộc di dời từ nơi kinh doanh cũ sang ngôi chợ khang trang, hiện đại mà lại được sự đồng thuận của cả mấy trăm tiểu thương. Trên thực tế, không ít lần truyền thông đã đưa tin về những ngôi chợ mới hoàn thành được “ví von” là tạo sự an toàn thuận lợi cho người buôn bán đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ, thậm chí tiểu thương còn “bãi thị” vì phải “vét hầu bao” để đóng tiền “nhập thị mới”! Sự bình yên của chợ Nam Phước có lẽ bắt đầu từ ba chữ “Thuận”.
Chữ “Thuận” thứ nhất là giới tiểu thương. Gần mấy trăm hộ kinh doanh ở chợ cũ thức nhận ngôi chợ hiện tại đã không còn là chỗ an toàn (mất vệ sinh, dễ cháy nổ, cản trở giao thông). Họ mong muốn có chợ mới để kinh doanh thuận lợi hơn. Vì vậy, dưới sự hỗ trợ và lắng nghe của chính quyền về những yêu cầu, kiến nghị của họ, tất cả đã nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi theo sự sắp xếp của chính quyền, dù được dự báo là sẽ gặp không ít khó khăn khi không dễ thay đổi tập quán, thói quen buôn bán cho mùa Tết cận kề.
Chữ “Thuận” thứ hai là doanh nghiệp. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Ông chủ của Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 cũng không là ngoại lệ. Sự thiếu hụt nguồn vật liệu những ngày đầu khởi công công trình hoặc sự ảm đạm của thị trường bất động sản, không biết bao giờ mới thu hồi khoảng 200 tỷ đồng vốn đổ vào xây dựng dự án Khu đô thị phố chợ Nam Phước, là những khó khăn tưởng chừng đã không thể vượt qua. Nhưng vì “tự ái” nghề nghiệp, “trách nhiệm” của một con dân Nam Phước và “tinh thần doanh nghiệp” chưa bị bào mòn nên Công ty 569 tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Và dự án đã hoàn thành đúng niềm mong ước của nhiều người, cho dù có trễ hơn dự định 7 tháng.
Chữ “Thuận” thứ ba là ở chính quyền. Niềm tin của người dân đã được đổi lại bằng những lời cam kết, ký thác của chính quyền; không phải là chiến dịch, chương trình vận động hô hào hình thức mà biết lắng nghe từ những ý kiến phản hồi đầy trách nhiệm của người dân với thái độ cầu thị. Chính quyền đã chấp nhận sự hy sinh trong ngắn hạn để nhận lại sự tăng trưởng trong tương lai bằng những chính sách cụ thể. Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn…”, những yêu cầu hay tiếng nói phản biện của dân đã được thực thi. Không dễ cho những người vốn quen cảnh “một mình một chợ” phải lắng nghe những ý kiến trái chiều, nhưng họ đã “dũng cảm” hủy bỏ việc nhà đầu tư tiến hành hút cát ven sông (dù đã được cấp phép) khi dân Tiệm Rượu phản đối và chứng minh được sự nguy hiểm của tình trạng sạt lở bờ sông mấy năm trước hay quyết định không thu phí đầu tư ban đầu, không thu lệ phí chợ và ưu tiên sắp xếp “định cư” cho những hộ kinh doanh khu chợ cũ chuyển sang rồi mới dành “đất” cho những người mở kinh doanh mới. Kết quả là đã tạo sự đồng thuận từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Tất cả suy cho cùng là góc nhìn của người làm chính sách. Khẩu hiệu “lấy dân làm gốc” hoàn toàn sẽ không mang tính sáo rỗng nếu những người làm chính sách đều hướng đến việc tôn trọng sự phát triển công bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, không để những người dân nghèo bị thua thiệt hay bị buộc vào thế khó sau những thay đổi của địa phương.
Thực tế, sự dễ dàng tìm kiếm sự đồng thuận của người dân vì ai cũng biết quan điểm nhất quán rằng nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cho nên, mọi chính sách đương nhiên phải phục vụ đa số lợi ích người dân. Vấn đề quan trọng là chính quyền phải biết lắng nghe dân, làm hết sức mình để đưa ra chính sách phù hợp lòng dân. Khi ấy, mọi công việc đều đạt được chữ “Thuận”.
NHẬT PHONG