Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tại Điện Bàn: Huy động nguồn lực xã hội hóa
Những năm qua huyện Điện Bàn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cùng nhiều nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư xây dựng hàng trăm thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ đời sống tinh thần của người dân, trở thành một trong số ít địa phương làm tốt công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở của tỉnh.
Đầu tư nhiều công trình
Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện Điện Bàn, đến cuối năm 2014, toàn huyện có 182/182 thôn đã hoàn thành việc xây nhà văn hóa, trong đó số nhà văn hóa được xây mới, đáp ứng tiện nghi như hội trường, sân bóng chuyền, sân cầu lông, phòng đọc sách báo, tường rào, cổng ngõ… đạt chuẩn, chiếm khoảng 70% tổng số nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện. Nhiều nhà văn hóa thôn có tổng diện tích trên 300m2, kinh phí xây dựng từ 500 - 700 triệu đồng, bên trong trang bị đầy đủ bàn ghế, bục, bệ, các thiết bị dùng cho sinh hoạt, hội họp, biểu diễn văn nghệ, luyện tập thể thao, cụm loa truyền thanh…. Vào ngày lễ tết, nhà văn hóa thôn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, vui chơi lễ thao, văn nghệ cho người dân. Một số thôn cũng đã đầu tư sách báo để nhân dân đến đọc, không ít hộ dân đã tự nguyện góp tiền để sắm các trang thiết bị thể thao như bóng bàn, khung lưới bóng đá mini, bóng chuyền, lưới cầu lồng…, tạo điều kiện cho nhân dân luyện tập, giải trí tăng cường sức khỏe. Theo ông Phạm Nên - Bí thư khối phố 5 (thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn), việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở là yêu cầu thiết thực của địa phương nhằm giúp người dân có nơi họp hội, sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần thông qua các hoạt động văn nghệ, thể thao, giải trí…. Cuối năm 2013 khối phố 5 đã khánh thành đưa vào sử dụng nhà văn hóa khối phố với vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng, trong đó gần 80% kinh phí là từ xã hội hóa. Từ khi công trình nhà văn hóa ra đời đã trở thành nơi họp hội, vui chơi thi đấu bóng chuyền cũng như phục vụ những nhu cầu đời sống như đám cưới, lễ tiệc… của người dân.
Nhà văn hóa khối phố 5, thị trấn Vĩnh Điện được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: V.Lộc |
Cùng với nhà văn hóa thôn, những năm gần đây, được sự hỗ trợ, khích lệ của địa phương, hàng trăm cổng làng khang trang đã mọc lên, tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn Điện Bàn. Không ít cổng làng đã được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí lên đến vài trăm triệu đồng như Kỳ Lam (Điện Phước), Thanh Quýt (Điện Thắng)… Ông Phạm Đức Nhẹ, Trưởng phòng VH-TT huyện Điện Bàn khẳng định, kết quả trên bắt nguồn từ sự đồng thuận của người dân về việc cần thiết phải xây dựng các thiết chế văn hóa tại địa phương. Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhiều nơi đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Đặc biệt, sự ra đời của đề án Phát triển văn hóa thể thao giai đoạn 2013 - 2015, định hướng năm 2020 với những quy định cụ thể như, hỗ trợ 50 triệu đồng cho một nhà văn hóa thôn, khối phố và 300 triệu đồng cho xây mới một trung tâm văn hóa thể thao (không kể nguồn đầu tư từ chương trình nông thôn mới) đã giúp các địa phương có được nguồn kinh phí quan trọng để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay, toàn huyện đã có 5 xã xây mới trung tâm văn hóa thể thao từ nguồn hỗ trợ của đề án và xã hội hóa như Điện Hồng (4,7 tỷ đồng), Điện Phong (3 tỷ đồng), Điện Trung (3,7 tỷ đồng), Điện Phương (3,2 tỷ đồng), Điện Nam Bắc (2,5 tỷ đồng) và 3 trung tâm văn hóa được sửa chữa lại là Điện Phước, Điện Thọ, Điện Quang với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 18 sân vận động và 14 hội trường UBND xã, thị trấn được xây dựng đạt chuẩn. “Để có nguồn kinh phí này, ngoài sự hỗ trợ, đóng góp của người dân và xã hội hóa thì huyện cũng đã ban hành cơ chế thuận lợi cho các địa phương thông qua nhiều hình thức như khai thác quỹ đất, tài nguyên tại chỗ… để địa phương chủ động trong việc xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa phục vụ lợi ích cộng đồng” - ông Nhẹ cho biết.
Tăng quyền tự chủ
Cùng với công tác huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, việc chủ động nguồn lực để thực hiện các công trình văn hóa địa phương phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được các địa phương triển khai hiệu quả. Thời gian qua hầu hết trung tâm VH-TT xã trên địa bàn huyện được thành lập đều có đầy đủ ban chủ nhiệm và quy chế hoạt động do phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã làm chủ nhiệm, các thành viên văn hóa thông tin, đài truyền thanh là những người trực tiếp tham mưu, tổ chức nội dung hoạt động. Phòng VH-TT phối hợp với Trung tâm VH-TT huyện hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền các hoạt động chính trị; tổ chức thành lập các câu lạc bộ nhằm thu hút nhân dân tham gia… Điển hình như Trung tâm VH-TT xã Điện Hồng, hiện tại đã thành lập được 4 câu lạc bộ là võ thuật, đàn hát dân ca, dưỡng sinh và văn hóa văn nghệ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Trung tâm VH-TT xã Điện Hồng cho rằng sự ra đời của các trung tâm VH-TT xã là bước đột phá lớn, giúp địa phương triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hiệu quả và rộng khắp hơn. “Từ tháng 4 khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm đã tổ chức gần 10 hội nghị, tập huấn, sinh hoạt, học tập cộng đồng cho các đoàn thể, tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã” - ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của nhà văn hóa thôn, khối phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Không ít nơi nhà văn hóa thôn mới chỉ đơn thuần là nơi họp dân, tình trạng đóng cửa nhiều hơn mở cửa vẫn còn diễn ra khiến nhà văn hóa thôn chưa phát huy hết vai trò của mình, chủ yếu là do cán bộ thôn, khối phố hoạt động kiêm nhiệm, không có chuyên môn trong công tác quản lý hoạt động nhà văn hóa. Ngoài ra, chủ nhiệm các trung tâm VH-TT xã phần lớn chưa qua đào tạo chuyên ngành; hoạt động của trung tâm chưa chủ động được nguồn kinh phí, chủ yếu dựa vào phân bổ của xã và nguồn xã hội hóa nên chỉ hoạt động theo thời vụ… “Phòng đã tham mưu UBND huyện về việc xác lập căn cứ pháp nhân cho chủ nhiệm các trung tâm VH-TT xã, phải có tài khoản và con dấu riêng nhằm chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, phát triển về văn hóa, thể thao, truyền thanh, học tập cộng đồng, tránh trường hợp bị động về kinh phí do xã quản lý chung như thời gian qua. Ngoài ra, cũng sẽ phối hợp với các phòng, đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thôn, khối phố và ban chủ nhiệm trung tâm VH-TT xã, hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ này” - ông Nhẹ nói.
VĨNH LỘC