Ký ức xanh
Vậy mà đã gần 28 năm tôi rời trường Đại học Y khoa Huế để chính thức công tác trong ngành y tế tỉnh nhà. Gần 35 năm học ngành y và làm bác sĩ, chặng đường đủ dài để nhìn lại, suy ngẫm những gì đã qua với bao sự lắng đọng và trân trọng.
Bác sĩ Nguyễn Lương Việt siêu âm chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Những năm đầu về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tam Kỳ (Đa khoa tỉnh ngày nay), tôi may mắn được gặp người anh đồng nghiệp và cũng là thủ trưởng tận tình. Nhắc đến anh - bác sĩ, giám đốc Phạm Như Đài, hầu như ai ở Tam Kỳ thời những năm 1980 - 1990 cũng biết hoặc nghe tên. Anh giản dị, chân tình, hiểu biết nhiều và hơi có chút nghệ sĩ nên nhiều đồng nghiệp thích gần gũi. Cũng nhờ cơ duyên nên tôi được gần, được đi nhiều với anh và được học nhiều ở anh về cách ứng xử. Anh chia sẻ và coi tôi như một người em, người bạn nhỏ, không giấu giếm ý tứ và luôn tôn trọng phát kiến trong những lần trao đổi. Tôi học được ở anh tình yêu thương đồng nghiệp, sự thông cảm che chắn, bảo vệ anh em khi vô tình lỡ việc gì. Học ở anh tính dân chủ và tôn trọng sự thật, ghét sự giả dối và nịnh bợ. Anh hoạt bát và phong độ đến vậy nhưng sẵn sàng ngồi tham gia nói chuyện văn chương, thời sự bên vài ly rượu giản đơn. Tiếc thay, vì bệnh nặng anh đã phải ra đi ở cái tuổi 50. Những ngày này, nhắc đến anh khi đang ngồi viết, không chỉ tôi mà chắc hẳn các đồng nghiệp khác khi đọc những dòng này sẽ dành vài phút suy tưởng về anh, về những ngày xưa cũ.
Thời còn làm ở khoa cấp cứu, nơi bắt đầu tác nghiệp y khoa, tôi vẫn nhớ như in dáng người cao dong dỏng của bác sĩ Lê Thế Cánh. Anh là một trưởng khoa đầy năng động, và cũng là người thầy đầu tiên của tôi trong những bước chập chững vào nghề. Với tôi, anh có sự thông cảm chia sẻ tận tình, thân mật. Bên cạnh đó là sự cảm thông và quý trọng. Anh đã từng bước hướng dẫn tôi qua tập sự với cái nhìn nhạy bén nghề nghiệp và “nói không” với khó khăn.
Rồi những năm kế tiếp, khi bệnh viện bắt đầu triển khai khoa hồi sức trung tâm với đội ngũ bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, thời đó chúng tôi đã làm việc tích cực hết mức có thể, mặc dù lương hướng, vật chất chẳng đáng là bao, có người đôi lúc còn tranh thủ đi chở bột cưa, mùn trấu về nấu bếp... Ấy vậy mà vẫn vui và làm có hiệu quả chuyên môn. Thời đó, bác sĩ Nguyễn Duy Kỳ là điển hình của một con người luôn chu đáo, tỉ mỉ, với lòng thương và biết quy tụ anh em làm điều tốt cho khoa thời bấy giờ. Thậm chí, cũng chính vì vậy mà anh dám đảm nhận nhiệm vụ để khoa cung ứng thuốc theo toa cho bệnh viện trong thời mới bắt đầu mở cửa thị trường, làm để khẳng định: việc không khó nếu vì người bệnh! Tôi học ở anh tính nhẫn nại kiên trì và gọn gàng, giản dị, cùng sự sẻ chia cần thiết cho anh em.
Những năm 1990, khi mà làn gió đổi mới đã bắt đầu thổi bùng những ngọn lửa, bệnh viện cũng bắt đầu tiếp cận và phát triển kỹ thuật mới. Năm 1992, tôi và bác sĩ Võ Văn Quang được phân công đi học và triển khai siêu âm tại bệnh viện. Ban đầu chỉ là máy siêu âm cũ của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho lại, tôi nhớ đó là máy hiệu ADR của Đức, màn hình chỉ bằng bao thuốc lá. Mày mò thử nghiệm, vừa kết hợp kỹ năng lâm sàng với hình ảnh siêu âm mà chủ yếu là tự học. Chúng tôi cũng đã “làm mưa làm gió” để thấy nhiệm màu của chiếc máy siêu âm. Bây giờ nhìn lại chắc phải phì cười vì thiết bị quá xấu và che lấp nhiều rủi ro có thể! Nhưng dù sao cũng là khởi đầu cho những “mùa đẹp” tiếp theo của thiết bị kỹ thuật y khoa. Hai anh em làm việc với nhau tuy không nhiều vì anh còn phải chuyên lo lĩnh vực ngoại khoa bệnh viện. Dù vậy, cũng nhờ anh làm thay để tôi có thời gian đi học tiếp chuyên ngành mới mẻ này ở Sài Gòn. Mỗi người đều có nét riêng, nhưng với anh tôi cũng đã học được nhiều ở đức tính vì người bệnh nghèo, anh sẵn lòng sẻ chia thật lòng chút vật chất nhỏ nhoi cho họ, khi thì cái áo, khi thì chút tiền, khi thì can thiệp chuyên môn nguy khó.
Và có những người chị, người cô điều dưỡng chẳng bao giờ tôi quên trong những tháng năm đầu chập chững. Chính các chị, các cô là đã bày vẽ, hướng dẫn cho tôi những vấn đề nhạy bén nhất ở người bệnh, về mối giao hòa với đồng nghiệp. Tôi nhớ như in và hàm ơn tấm lòng trong sáng, nhẫn nhịn của các chị như một bài học đầu tiên làm bác sĩ. Quên sao được những cô Nhụy y tá trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viên Đa khoa tỉnh cuối những năm 1980, má Tư y tá trưởng đầu tiên Khoa Hồi sức trung tâm (Hồi sức cấp cứu bây giờ), chị Lan y sĩ cấp cứu, hay em Phượng y sĩ thời những năm 1980, nay y tá trưởng phòng mổ và nhiều nhiều nữa những tấm gương nhiệt tình bên người bệnh.
Gần mười năm nhận nhiệm vụ công tác mới tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, như một định mệnh và sự lựa chọn phối hợp, tôi đã có biết bao kỷ niệm vui buồn đi qua với đồng nghiệp, với người bệnh. Tôi cũng đã học nhiều điều tốt từ những đồng nghiệp thế hệ sau, và cả những cộng sự dưới mình, chính họ cũng đã cho tôi thêm sức trẻ và tình người. Và sau hết có lẽ tôi cũng phải học cả những điều chưa tốt để tự mình vượt qua, tránh vấp phải.
Khi viết những dòng ký ức này tôi liên tưởng đến bầu trời xanh trong vắt, ôm ấp tất cả đồng nghiệp chúng ta trong một mối tình đằm thắm mênh mang giữa cõi người.
Ký ức xanh. Đúng! Ký ức xanh sẽ mãi mãi nâng tôi và các bạn trên con đường y nghiệp. Ngoài kia, tiết trời đang chuyển mùa xuân tươi đẹp, cầu mong cho mọi người luôn an lành và hạnh phúc!
NGUYỄN LƯƠNG VIỆT