2014 - năm nhiều nguy hiểm cho nhà báo

N.V 27/12/2014 09:25

Với con số 66 phóng viên trên thế giới bị thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ, tổ chức Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho biết, năm 2014 thực sự là một năm đầy nguy hiểm đối với những người cầm bút.

Kể từ khi tiến hành hoạt động vào năm 1992, CPJ mỗi năm thống kê những phóng viên trên toàn thế giới đã hy sinh khi đang thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh 66 phóng viên thiệt mạng nêu trên, CPJ cho biết ít nhất 18 trường hợp thiệt mạng khác đang được tiến hành điều tra rằng liệu cái chết của họ có liên quan đến hoạt động nghề báo hay không. Như vậy, 2014 vẫn được xem là một trong những năm có nhiều nhà báo thiệt mạng khi đang đưa tin, làm phóng sự tại những nơi có xung đột xảy ra. Như vậy, tính từ năm 2005, nghĩa là chưa đầy 10 năm, hơn 720 nhà báo đã bị sát hại khi họ đang làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, số vụ bắt cóc nhà báo làm con tin cũng ngày càng gia tăng, tăng 35% vào năm 2014 với khoảng 120 phóng viên.

Nhà báo Đức Todenhöfer (giữa) nói chuyện với phiến quân IS. Ảnh: nydaily
Nhà báo Đức Todenhöfer (giữa) nói chuyện với phiến quân IS. Ảnh: nydaily

Đặc biệt, số phóng viên là các thông tín viên nước ngoài đã ngã xuống tại các điểm xung đột cũng tăng gấp đôi so với các năm trước, cụ thể chiếm 25% trong số các phóng viên thiệt mạng nêu trên. Vụ việc diễn ra chủ yếu tại các nước vùng Trung Cận Đông hay tại Ukraine. Mặc dù số phóng viên thiệt mạng năm 2014 ít hơn năm 2013, nhưng sự trỗi dậy khét tiếng của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thách thức cộng đồng quốc tế và chưa bao giờ khiến người cầm bút gặp nguy hiểm như hiện nay.
Còn nhớ cả thế giới đã phẫn nộ và kinh hoàng trước vụ IS hành quyết dã man hai nhà báo Mỹ là James Foley và Steven Sotloff vào tháng 8 và tháng 9.2014 vừa qua. Hồi tháng 4, phóng viên ảnh người Đức Anja Niedringhaus bị một cảnh sát bắn chết, khi đang đưa tin về bầu cử tại Afghanistan cho hãng tin Mỹ AP. Trong tháng 6, thế giới chia buồn và lên án vụ việc hai phóng viên truyền hình của Nga là Igor Kornelyuk và Anton Voloshin thiệt mạng sau trận chạm trán ác liệt giữa quân Chính phủ Ukraine và người biểu tình ở miền đông nước này.

Ngoài ra, CPJ cho biết có khoảng 20 nhà báo vẫn đang bị IS bắt làm con tin. Bảng báo cáo của CPJ cho thấy, kể từ 2011, 79 phóng viên đã ngã xuống tại Syria, khiến nước nay vượt Philippines, trở thành quốc gia tử thần số một đối với những người làm báo và “bản chất ngày càng khó lường tại các khu vực xung đột trong đó người phương Tây thường xuyên bị nhắm tấn công”.

Mới đây, tiết lộ của nhà báo Đức Jürgen Todenhöfer, 74 tuổi, được đi lại thoải mái trong vùng đất bị IS kiểm soát tại Iraq, sau khi đạt thỏa thuận với IS khiến cả thế giới bị “sốc”. Bởi 10 ngày trong sào huyệt của IS, Jürgen Todenhöfer cho biết “hiện nay IS mạnh hơn, nguy hiểm hơn nhiều” so với những gì phương Tây nhận thức. Trên trang Facebook của mình, Todenhöfer tự nhận ông luôn là nhà báo “nói tiếng nói của 2 phe” trong suốt hơn 50 năm đưa tin từ các vùng chiến sự và lần này ông may mắn đã không trở thành “con mồi” của IS.

N.V

N.V