Nga bắt đầu cứu trợ ngân hàng

M.ĐỨC (tổng hợp) 25/12/2014 10:36

Trust Bank là ngân hàng đầu tiên của Nga vừa được ứng cứu với khoản trợ cấp lên đến 30 tỷ ruble (530 triệu USD) từ Ngân hàng Trung ương Nga để không bị phá sản.

Dưới áp lực của đồng ruble lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, ngành ngân hàng Nga có thể sẽ nhận được 1.000 tỷ ruble (18 tỷ USD) hỗ trợ vốn, theo luật mới được Chính phủ Nga thông qua cuối tuần trước. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết sẽ sớm chọn một nhà đầu tư để cứu trợ Trust Bank, rất có thể là một trong các nhà băng lớn nhất nước. Ngân hàng Trung ương Nga có thể hỗ trợ đồng ruble bằng cách bơm thêm nguồn dự trữ ngoại tệ. Nga vẫn còn 420 tỷ USD dự trữ, phần lớn số này là đồng USD. Công cụ tiếp theo mà nước Nga có thể sử dụng để vực dậy đồng ruble là bán vàng. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ khoảng 1.169,5 tấn vàng, chiếm khoảng 10% dự trữ ngoại tệ của Nga. Để đối phó với tình thế nguy hiểm, Nga có thể sẽ rút nguồn dự trữ vàng. Nếu Nga lựa chọn giải pháp này, chắc chắn giá vàng thế giới sẽ giảm thấp.

Trước đó, ngày 21.12, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật bơm thêm 6,54 tỷ USD để hỗ trợ các ngân hàng trong việc giải quyết vấn đề tài chính. Dự kiến các ngân hàng lớn nhất nước Nga như Sberbank, VTB, Ngân hàng Nông nghiệp Nga và Ngân hàng Moscow sẽ là những ngân hàng đầu tiên được đón nhận dòng vốn này. Các nguồn tiền hỗ trợ sẽ được bơm dưới hình thức mua trái phiếu hoặc các tài sản khác. Tuy nhiên, hiện Nga vẫn chưa công bố danh sách toàn bộ các ngân hàng đủ tư cách được vay vốn. Ngoài ra, Hạ viện cũng đã thông qua dự luật cho phép đưa 10% tài chính của Quỹ đầu tư quốc gia vào tiền gửi và trái phiếu của các ngân hàng Nga nhằm bổ sung vốn cho các ngân hàng chủ chốt của Nga để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tự hoàn vốn. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các ngân hàng có thể bắt đầu được bơm thêm vốn từ đầu năm tới, để giúp tăng nguồn vốn ngân hàng thêm 13%, đủ đáp lại những biến động tiêu cực do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với hệ thống ngân hàng Nga hiện nay.

Hiện nền kinh tế Nga đang đối mặt 3 khó khăn lớn: lạm phát tăng phi mã, đồng nội tệ phá giá mạnh và giá dầu giảm liên tục. Trước tình hình này, chính phủ Nga đã đưa ra một loạt biện pháp ứng phó. Ngày 15.12, trong cuộc họp bất thường về chính sách tiền tệ - tín dụng, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5% (từ 10,5% lên 17%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga còn triển khai gói giải pháp 2.0 để chống lại nguy cơ lạm phát và phá giá. Trong số các biện pháp này có tăng tái cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng, đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tệ thông qua cung cấp khả năng thanh toán ngoại tệ khi cần thiết. Để trấn an dư luận và người dân, chính quyền Nga khẳng định có đủ dự trữ ngoại tệ và các công cụ thị trường để điều chỉnh tình hình kinh tế, vượt qua khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt, thậm chí thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

M.ĐỨC (tổng hợp)

M.ĐỨC (tổng hợp)