Châu Á: Mười năm sau thảm họa sóng thần
Mười năm sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, càn quét khủng khiếp hàng loạt quốc gia ven biển, khu vực châu Á đến nay đã chuẩn bị tích cực để cảnh báo và đối phó với thiên tai.
CHỈ một ngày sau đêm lễ Noel (26.12.2004), cơn địa chấn Sumatra-Andaman 9 - 9,3 độ Richter kích hoạt các đợt sóng thần với những con sóng cao khoảng 30m, lan tỏa khắp Ấn Độ Dương đồng thời tàn phá khủng khiếp hơn 10 quốc gia ven biển từ Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ đến Thái Lan. Thảm họa đã gây nên con số tử vong nhiều nhất trong thế giới hiện đại với khoảng 225 nghìn người. Hàng triệu người bị mất nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền bị cuốn trôi.. Trong đó, thành phố Banda Aceh trên đảo Sumatra của Indonesia được xem là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất khi thảm họa cướp đi sinh mạng của khoảng 170 nghìn người và hơn nửa triệu người đã mất nhà cửa.
Thành phố Banda Aceh hồi sinh sau 10 năm sóng thần châu Á. |
Một thập kỷ trôi qua, cộng đồng ven biển chịu thiệt hại từ sóng thần châu Á đã được hồi sinh nhờ sự quan tâm của chính phủ các nước, sự quyết tâm của người dân và sự hỗ trợ đắc lực của cộng đồng quốc tế. Các ngôi nhà được xây dựng mới, các con đường mới, các khu dân cư được đầu tư khang trang và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối phó với những thảm họa của thiên nhiên. Nhiều bài học xương máu được rút ra từ thảm họa 10 năm trước, ưu tiên hàng đầu phải là công tác bảo vệ tính mạng của người dân trong vùng dễ bị tổn thương. Sau đó là công việc khắc phục, hỗ trợ và tái thiết sau thảm họa để người dân tiếp tục cuộc sống phía trước.
Chỉ một năm sau trận sóng thần kinh hoàng 2004, Indonesia xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần Phao nhận tín hiệu từ cảm biến dưới lòng đại dương, chỉ trong vòng 5 phút. Đến năm 2008, toàn bộ hệ thống được hoàn thành, giúp người dân vùng bờ biển có đủ thời gian sơ tán trước khi sóng thần ập đến. Năm 2003, Ấn Độ xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở biển Đông, để ghi lại sự thay đổi mực nước biển sau một trận động đất và đo thủy triều, việc này sẽ cần sự trợ giúp từ các nước trong khu vực. Thái Lan cũng đã sớm xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần. Những bước chuẩn bị đối phó với thiên tai đã được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm và nhờ đó mà nhiều năm qua đã giúp nhiều nước giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, trước diễn biến khí hậu khắc nghiệt đang diễn ra trên toàn cầu, những thảm họa thiên tai càng xảy ra khó lường với mức độ tàn phá ngày một khủng khiếp nên thế giới nói chung và châu Á nói riêng còn có nhiều việc phải làm. Thống kê cũng cho thấy, giai đoạn 2003 - 2013, khoảng 200 triệu người dân ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng thảm họa thiên tai từ sóng thần, lốc xoáy, lũ lụt, bão… Ngoài ra, ước tính thiệt hại vật chất lên tới 34 tỷ USD mỗi năm. Chỉ 3 năm sau sóng thần châu Á khủng khiếp, thế giới lại chứng kiến “thảm họa kép” tại Nhật Bản khi trận động đất 9 độ Richter kéo theo những con sóng cao từ 15 - 40m tràn vào vùng ven biển đông bắc của nước Nhật ngày 11.3.2011, để lại những cảnh hoang tàn khắp khu vực, khiến gần 20 nghìn người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích.
QUỐC HƯNG