Nên cho vay theo tính hiệu quả
Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã đáp ứng được một phần nhu cầu trong nhân dân, góp phần giải quyết việc làm. Tuy nhiên, cho vay đối với đối tượng nào cần phải được xem xét dựa trên tính hiệu quả.
Cơ chế của tỉnh đối với nguồn vốn này chính là đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm của những dự án giải quyết được nhiều lao động, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong năm 2013 - 2014, tỉnh Quảng Nam dù chỉ có nguồn vốn từ Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh, không được Trung ương bố trí vốn từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nên chỉ ưu tiên cho những dự án giải quyết được nhiều lao động. Như năm 2014 đã cho vay được 34 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2.300 lao động. Theo Sở LĐ-TB&XH, hiệu quả tạo ra thực sự nằm ở những dự án như thế, còn cho vay hộ thì tính hiệu quả thấp hơn.
Hiện nay nguồn vốn giải quyết việc làm đang tập trung cho những dự án giải quyết được nhiều lao động. Ảnh: D.L |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam, cơ chế cho vay chương trình giải quyết việc làm thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh chưa phù hợp, nên nhiều hộ có nhu cầu nhưng chưa được tiếp cận với nguồn vốn, trong khi đó nguồn vốn tồn đọng thường xuyên. Ông Dinh cho rằng: “Cơ chế của tỉnh là ưu tiên cho vay dự án lớn giải quyết nhiều lao động thì rất tốt, bởi đáp ứng được mục đích chủ chốt của nguồn vốn này. Nhưng trên địa bàn tỉnh, những dự án thế này không nhiều, vì thế mà vốn không giải ngân hết. Hơn nữa, nguồn vốn vay chỉ 200 - 500 triệu đồng mà doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh phải có tài sản thế chấp, nghĩa là nhốt tài sản của doanh nghiệp với nguồn vốn không nhiều, thay vì thế doanh nghiệp đi vay ở ngân hàng thương mại được vài tỷ đồng thì hơn. Cơ chế là do tỉnh ban hành đã kiềm hãm việc cho vay đối với nguồn vốn giải quyết việc làm. Cơ chế tài chính cũng ách tắc, nguồn vốn ủy thác của tỉnh đưa qua chậm nên việc cho vay cũng chậm theo”.
Về cơ chế cho vay của tỉnh, trong cuộc họp Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cuối năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói vướng mắc nằm ở cơ chế thì sẽ sửa cơ chế, bởi điều này nằm trong khả năng của tỉnh, mục tiêu nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng để cho vay. Trong khi tỉnh có vốn mà đối tượng không tiếp cận được vốn là điều không nên. Phó Chủ tịch Lê Văn Thanh chỉ đạo trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH cùng với tài chính và ngân hàng bàn bạc tham mưu UBND tỉnh về cơ chế cho vay thế nào cho phù hợp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, nếu họ có phương án kinh doanh đầy đủ, có phương án trả nợ vay đảm bảo thì các ngành liên quan kiểm tra, thẩm định để cho vay. Ngoài ra, lưu ý đối với nguồn vốn giải quyết việc làm nên cho vay đối tượng đi xuất khẩu lao động sang các thị trường chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Bởi đây cũng là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, đặc biệt đưa sang những nước chất lượng cao thì người lao động cần nguồn vốn vay để lo chi phí.
HOÀNG LINH