Vui và lo cho thể thao đất Quảng
Đoàn thể thao Quảng Nam thi đấu khá thành công tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, giành được 4 huy chương vàng (HCV) vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, qua đợt tranh tài lần này đặt ra không ít băn khoăn trước việc một số vận động viên (VĐV) là “kỳ vọng sáng giá” lại thất bại.
Nguyễn Phi Tuấn (trái) thi đấu không thành công do ảnh hưởng của chấn thương. Ảnh: T.VY |
Quá xuất sắc
Có lẽ phải dành tặng lời khen như vậy cho VĐV, huấn luyện viên (HLV) đoàn thể thao Quảng Nam tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 khi họ đã nỗ lực thi đấu để có được kết quả vượt chỉ tiêu đề ra. Trước khi đại hội diễn ra, đoàn thể thao Quảng Nam với 46 VĐV tham gia tranh tài tại 7 môn đã đặt chỉ tiêu khá khiêm tốn: 3 HCV. Với tính chất cạnh tranh vô cùng quyết liệt của đại hội, hoàn thành chỉ tiêu này đã được xem là điều khó. Thế nhưng ở sân chơi lớn này, các chàng trai cô gái Quảng Nam đã xuất sắc đem về cho tỉnh nhà 4 tấm HCV do công của Hồ Viết Thanh Sang (môn bắn súng), Phạm Thị Thu Hiền (Taekwondo), Phạm Thị Thư (Karatedo) và Nguyễn Thị Tân An (Võ cổ truyền). Ngoài ra, các VĐV còn đem về 2 HCB và 4 HCĐ. Trong 7 bộ môn tham gia đại hội thì có 5 môn giành được huy chương là Taekwondo, Karatedo, Vovinam, Võ cổ truyền, Bắn súng; 2 môn không có huy chương là Pencak Silat và Bida snooker.
Trong số 4 cái tên VĐV giành HCV vừa qua, có lẽ Phạm Thị Thu Hiền không còn xa lạ với người hâm mộ thể thao tỉnh nhà. Thời gian qua, Thu Hiền là cái tên “hot” nhất của thể thao đất Quảng khi đoạt HCV SEA Games 27 năm 2013 và mới đây nhất trở thành VĐV đầu tiên của tỉnh giành huy chương đồng ASIAD 17 năm 2014. Vì vậy, việc cô gái 18 tuổi này giành HCV đại hội không làm nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, 3 cái tên còn lại là hoàn toàn bất ngờ, thậm chí có thể nói là nằm ngoài “tầm ngắm” của đoàn thể thao Quảng Nam tại đại hội năm nay. Hồ Viết Thanh Sang - một xạ thủ mới 17 tuổi lần đầu ra “biển lớn” đã xuất sắc vượt qua nhiều đàn anh của các trung tâm mạnh trên cả nước để đem HCV đầu tiên về cho môn Bắn súng Quảng Nam. Trong khi đó, Nguyễn Thị Tân An cũng đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên với chiến thắng trong trận chung kết và có lẽ đây là tấm HCV cuối cùng trong sự nghiệp của VĐV sinh năm 1987 này. Xuất sắc không kém là Phạm Thị Thư khi dù không nằm trong danh sách được kỳ vọng giành “vàng” nhưng Thư lại kịp thời tỏa sáng đúng lúc để giúp cho Karatedo Quảng Nam khỏi rơi vào tình cảnh “trắng” HCV ở kỳ đại hội lần này.
Tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VI cách đây 4 năm, Quảng Nam giành được 5 HCV. Tuy nhiên, lần đó môn Bắn ná - bắn nỏ đem về cho Quảng Nam 2 HCV thì đại hội lần này không có trong chương trình thi đấu. Điều này cho thấy, giành được tổng cộng 10 huy chương trong đó có 4 HCV - vượt chỉ tiêu đặt ra là một kỳ đại hội thành công của đoàn thể thao Quảng Nam. Đặc biệt, nếu xếp vị thứ theo điều lệ đại hội thì Quảng Nam có 6 HCV (thêm 2 HCV nhờ thành tích ở SEA Games và ASIAD của Phạm Thị Thu Hiền) và xếp thứ 29 trên tổng số 65 đoàn thể thao của các tỉnh, thành phố, ngành tham gia đại hội.
Nhiều băn khoăn
Mặc dù vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, qua đại hội lần này không phải không có những băn khoăn. Trước đại hội, niềm hy vọng vàng được đặt lên đôi vai của những VĐV được đánh giá khá cao là Phạm Thị Thu Hiền, Trần Thị Mỹ Khanh (Taekwondo), Nguyễn Phi Tuấn, Bùi Như Mỹ (Karatedo), Nguyễn Hồng Ninh (Võ cổ truyền). Thế nhưng, cuối cùng chỉ có Phạm Thị Thu Hiền thực hiện được. Vì nhiều lý do khác nhau, Trần Thị Mỹ Khanh và Nguyễn Hồng Ninh không thể hoàn thành nhưng dù sao thì HCB cũng có thể tạm hài lòng. Thất vọng nhất chính là thất bại của Karatedo khi niềm hy vọng số một Nguyễn Phi Tuấn trắng tay còn Bùi Như Mỹ chỉ có được HCĐ. Điều đó cho thấy, công tác dự báo, đánh giá năng lực VĐV của đoàn Quảng Nam cũng như với đối thủ chưa được chính xác, thậm chí còn có nhiều “sai số”. Từ đó dẫn đến nhiều VĐV được giao trọng trách HCV lại thi đấu không thành công.
Cũng qua đại hội lần này, có thể nói Quảng Nam hiện có được những VĐV tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã thể hiện được đẳng cấp của mình như Phạm Thị Thu Hiền (SN 1995) hay Hồ Viết Thanh Sang (SN 1998). Các VĐV này chắc chắn sẽ là những trụ cột trong tương lai của thể thao đất Quảng. Điều đáng lo là các bộ môn còn lại dường như đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lực lượng kế cận. Chẳng hạn, dù Võ cổ truyền khá thành công với 1 HCV, 1 HCB nhưng khi mà Nguyễn Thị Tân An đã gần bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp còn Nguyễn Hồng Ninh cũng đã lớn tuổi thì chưa thấy gương mặt nào trong lớp đàn em đủ sức gánh vác nhiệm vụ. Tương tự, giành HCV đại hội nhưng Phạm Thị Thư chưa hẳn là VĐV xuất sắc nhất ở hạng cân của mình như Bùi Thị Triều thể hiện trước đây. Trong khi đó, phong độ của Bùi Như Mỹ và Nguyễn Phi Tuấn đang có dấu hiệu đi xuống. Ở các bộ môn còn lại như Pencak Silat hay Điền kinh, vẫn chưa biết khi nào trở lại thời kỳ hoàng kim với những cái tên đã đi vào lịch sử của thể thao đất Quảng như Lê Thị Hồng Ngoan (Pencak Silat) hay Nguyễn Thị Hòa (Điền kinh).
Ông Phan Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam thừa nhận, công tác đánh giá năng lực VĐV chưa được chính xác dẫn đến một số VĐV được đặt kỳ vọng lại thi đấu không thành công. Nguyên nhân là vì VĐV chưa được thi đấu cọ xát nhiều nên HLV không thể tìm hiểu, nắm bắt được chính xác trình độ, năng lực của học trò mình cũng như VĐV các địa phương, đơn vị. Hơn nữa, đặt chỉ tiêu HCV nhưng thực ra trình độ, đẳng cấp của Nguyễn Phi Tuấn hay Bùi Như Mỹ, Trần Thị Mỹ Khanh không hơn, thậm chí có phần thấp hơn đối thủ. Ngoài ra, các VĐV này cũng đang bị chấn thương làm ảnh hưởng phần nào đến quá trình thi đấu. Dù sao đi nữa thì thành tích 6 HCV và xếp vị thứ 29 (đã cộng thành tích) cũng đã là một thành công xuất sắc của VĐV, HLV đoàn thể thao Quảng Nam tại đại hội năm nay, mở ra nhiều triển vọng mới cho thể thao tỉnh nhà.
TƯỜNG VY