Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống sâm Ngọc Linh

HOÀNG LIÊN 22/12/2014 10:19

(QNO) - Sở KH-CN vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam”, do Th.S Phan Thị Á Kim chủ nhiệm.

Đề tài ứng dụng công nghệ nuôi cấy in vitro (phương pháp nuôi cấy mô) để nhân giống sâm Ngọc Linh, nhằm cung cấp nhanh cây giống có độ đồng đều cao và ổn định về mặt di truyền, góp phần phát triển vùng sâm nguyên liệu của tỉnh nhà. Sản phẩm đề tài là 2.000 cây sâm mô đạt chuẩn trong môi trường ống nghiệm đã được bàn giao cho Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam để huấn luyện ra vườn ươm và vườn trồng tại Trà Linh, Nam Trà My.

Cây sâm mô đã thành công trong phòng thí nghiệm. ảnh: H.L
Cây sâm mô đã thành công trong phòng thí nghiệm. ảnh: H.L

Cây sâm Ngọc Linh là loài thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam và bị cấm khai thác. Trong tự nhiên, loài dược liệu này đã bị cạn kiệt và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Do loài cây này có địa bàn phân bố hẹp, điều kiện sống rất đặc biệt, chỉ ở vùng núi Ngọc Linh của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nên khó nhân trồng và phổ biến rộng rãi.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về giá trị khoa học, được xếp loại khá. Trong khi việc nhân giống sâm truyền thống bằng hạt và đầu mầm có tỷ lệ nhân giống không cao, chi phí đầu tư cao thì việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân nhanh giống hứa hẹn mang nhiều ưu điểm và giá trị khoa học rất lớn.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN