Định hình bản sắc đô thị
“Làm thế nào định hình bản sắc cho vóc dáng đô thị thông qua nếp sống, lối ứng xử của chính cư dân vùng đất đó” là điều mà ngành văn hóa Quảng Nam đang tìm hướng thông qua phong trào “xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
Quảng Nam, ngoài 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An với tổng số 18 phường, còn có 13 (trong số 16 huyện) có thị trấn, thị tứ; ngoài ra có Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và một thị xã Điện Bàn trong tương lai gần. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế kéo theo những thay đổi về diện mạo của các địa phương trên cả tỉnh, với hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại và đương nhiên là tỷ lệ dân cư phi nông nghiệp cũng theo đó ngày càng tăng. “Từ thực tiễn tất yếu của quá trình đô thị hóa, đòi hỏi công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với thiết lập trật tự và tăng cường xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cần được quan tâm chỉ đạo kịp thời và đúng mức” - ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL nói.
Cần xây dựng nếp sống đô thị trên nền tảng hiện có, phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện đại. TRONG ẢNH: Một góc trung tâm đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ở Hội An, để thực hiện mục tiêu “Xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa, du lịch và sinh thái”, thành phố xác định việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là nội dung cốt lõi. Do đó, hằng năm địa phương đều triển khai kế hoạch xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị với chủ điểm “đường thông, hè thoáng, sạch - đẹp - an toàn”. Tại Tam Kỳ, năm 2007, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2006 - 2010” gắn với các chương trình chỉnh trang đô thị, xây dựng thí điểm các tuyến phố văn minh… Đối với các huyện, hầu hết đều quan tâm lập quy hoạch các thị trấn, thị tứ và từng bước đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại, phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, triển khai thực hiện công nhận thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Song song với đó, địa phương nào cũng chú tâm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, làm phong phú đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.
Thiếu nhiều điều
Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” do Sở VH-TT&DL tổ chức hôm qua 18.12, các đại biểu đều nhận định rằng, hầu hết các thị trấn, thị tứ, kể cả TP.Tam Kỳ và TP.Hội An vẫn còn những tồn tại trong xây dựng nếp sống văn minh. Một số tồn tại đã được nêu ra như: hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và sinh hoạt của người dân, nhiều tuyến đường, tuyến phố không đảm bảo vệ sinh môi trường, thiếu nhà vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó là những vấn đề từ chính chủ thể con người như: ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; thiếu ý thức chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong thương mại, du lịch, kể cả ở công sở; chưa ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường…
Thực trạng trên không chỉ với riêng đô thị tại Quảng Nam, mà hầu như bất cứ đô thị nào ở Việt Nam cũng gặp phải. “Đô thị ở Việt Nam hiện nay, kể cả những đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, vẫn còn thiếu quá nhiều tiêu chí để có thể trở thành một đô thị hiện đại. Chúng ta vẫn chưa thực sự có chính quyền đô thị đúng nghĩa và đủ mạnh để thực thi công quyền, chưa có con người đô thị với ý thức thị dân trong một xã hội công dân, chưa đủ tiềm lực kinh tế để quy hoạch và hiện đại hóa cơ sở vật chất của xã hội đô thị” - TS. Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh chia sẻ. Cũng theo ông Hiệu, cần xây dựng nếp sống đô thị trên nền tảng hiện có, phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện đại và góp phần xây dựng đô thị hiện đại, chứ không thể áp đặt tiêu chí cứng nhắc theo cách xây dựng đô thị ở các nước phát triển.
Văn minh trong bản sắc
“Môi trường xã hội đang ngày một biến dạng, môi trường tự nhiên ô nhiễm, trật tự văn minh đô thị phát sinh nhiều vấn đề bức xúc trong giao tiếp ứng xử, trong kinh doanh, thương mại, dịch vụ… là những vấn đề chúng ta đang nhìn thấy” - ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VH-TT Hội An nói. Ở những thị trấn, thị tứ thuộc các huyện, tình trạng đô thị hóa quá nhanh, chưa thích ứng với cơ chế và nếp sống văn minh đô thị cũng gây nên nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp đến vốn văn hóa truyền thống địa phương.
“Xây dựng tác phong công nghiệp phù hợp nếp sống văn minh đô thị và lối sống đô thị nhân văn cho con người, đặc biệt là những thị dân tương lai ở các đô thị ngày nay có vị trí, ý nghĩa hết sức lớn” - PGS-TS. Huỳnh Quốc Thắng (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) mở đầu câu chuyện. Ông Thắng cũng cho rằng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị hiếu - thị trường - văn minh đô thị chính là đi tìm con đường phát triển của quá trình đô thị hóa trong sự phát triển đất nước. Ông Đinh Hài cho rằng, cần tăng cường các cơ chế, biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar… không để hình thành các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, mại dâm gây dư luận xấu trong nhân dân; quy hoạch các tuyến phố thương mại, xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại; mở rộng và nhân rộng mô hình tuyến phố văn minh, tuyến phố tự quản.
Tại Hội An, khi mà giữa phố và làng có một mối gắn kết chặt chẽ, thì việc kết hợp giữa văn hóa, văn minh là điều tất yếu. Theo ông Nguyễn Văn Lanh, xây dựng thành phố văn minh, trước hết cần phải bảo tồn phát huy giá trị của di sản văn hóa, sau đó hình thành nên những chủ đề, chủ điểm, gắn văn hóa với môi trường sinh hoạt, tạo nên nếp sống văn minh. Sau năm 1993, Hội An bắt đầu xây dựng nếp sống văn minh đô thị, hơn 20 năm sau nhìn lại, phố ở Hội An vẫn có bản sắc của mình. Câu trả lời cho điều “kỳ diệu” này, chính ở lối ứng xử của con người nơi đây. Một trật tự được sắp xếp kỹ càng, từ trật tự cây xanh, trật tự trong quy hoạch với tiêu chí tôn trọng lịch sử, truyền thống đã góp phần tạo nên một Hội An văn minh trong vóc dáng bản sắc xưa. Và cái bản sắc ấy vốn đã hội đủ nay cần phải giữ đủ phong khí, âm điệu, văn hóa, con người. Có lẽ bất cứ đô thị nào, muốn định hình vóc dáng văn minh trong bản sắc của mình, đều cần những sự hội tụ như vậy…
SONG ANH