Xây dựng trường THPT đạt chuẩn: Bài toán kinh phí và chất lượng
Trong khi toàn tỉnh đã có 366 trường mầm non, tiểu học và THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì ở bậc THPT mới chỉ có vỏn vẹn 2 trường đạt chuẩn. Vì sao như vậy và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ xây trường chuẩn trong thời gian đến?
Chưa quan tâm
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đang có những kết quả trái ngược. Đến nay, các bậc học mầm non, tiểu học, THCS đã có được những kết quả khá tốt với 94 trường mầm non (tỷ lệ 39%), 169 trường tiểu học (70,7%) và 103 trường THCS (gần 50%) đạt chuẩn quốc gia; trong đó nhiều trường học đạt chuẩn cách đây cả 15 năm và hiện đạt chuẩn cấp độ 2, thậm chí cấp độ 3. Ngược lại, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở khối trường THPT lại khá chậm chạp. Mãi đến năm 2012, Trường Phổ thông DTNT tỉnh mới trở thành ngôi trường đầu tiên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn và đến nay có thêm đơn vị thứ 2 là Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Trước thực trạng này, tại buổi làm việc mới đây với Sở GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín tỏ ra khá ngạc nhiên và đặt câu hỏi: “Sở GD-ĐT cần phải xem lại, vì sao các trường mầm non, tiểu học, THCS phân cấp về cho địa phương quản lý thì số trường đạt chuẩn quốc gia rất nhiều trong khi trường THPT do tỉnh quản lý thì quá ít trường đạt chuẩn?”.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là một trong những trường sẽ đầu tư để sớm đạt chuẩn. Ảnh: X.P |
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, công tác xây dựng trường THPT đạt chuẩn không đạt kết quả như mong muốn nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết phải kể đến là điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư cho giáo dục nói chung, trường đạt chuẩn nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu. Trong thời gian dài, ngành chỉ được đầu tư xây dựng phòng học mà ít chú trọng xây dựng các phòng bộ môn, phòng chức năng khác dẫn đến tình trạng thiếu thốn, không đồng bộ về cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chuẩn. Việc phát triển trường THPT ở các huyện miền núi thời gian qua cũng khá nhanh nên tập trung đáp ứng nhu cầu về chỗ học chứ chưa quan tâm nhiều cho xây dựng trường chuẩn.
Ông Quốc còn viện dẫn ra một số lý do như chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các địa bàn; tình trạng bỏ học và học sinh yếu kém ở nhiều trường còn cao so với quy định trường chuẩn hay chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên còn hạn chế, thiếu nhân viên phụ trách các phòng chức năng… Tuy nhiên, theo chúng tôi nguyên nhân chính dẫn đến chậm chuyển biến trong xây dựng trường THPT đạt chuẩn là vì chưa có sự quan tâm đúng mức từ các ngành chức năng của tỉnh. Thực tế trong xây dựng trường chuẩn mầm non, tiểu học, THCS, tất cả huyện, thành phố cũng như phòng GD-ĐT và bản thân các trường rất quan tâm thể hiện qua việc đều có đề án, lộ trình thực hiện khá cụ thể. Trong khi đó, đến nay xây dựng trường THPT đạt chuẩn chỉ được đề cập một cách chung chung chứ chưa có kế hoạch hay đề án cụ thể nào của các trường và Sở GD-ĐT để tham mưu cho tỉnh. Nói cách khác, việc xây dựng trường chuẩn thời gian qua được phó mặc cho bản thân các trường THPT thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Vậy nên, công tác xây dựng trường chuẩn ở bậc THPT đến giờ này không đạt kết quả như mong muốn là điều dễ hiểu.
Bài toán kinh phí và chất lượng
Ngoài 2 trường đạt chuẩn, thực trạng của các trường THPT hiện nay so với các tiêu chuẩn quy định theo Thông tư 47 (ngày 7.12.2012) của Bộ GD-ĐT về trường chuẩn quốc gia cũng còn khoảng cách khá xa. Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, trong số 53 trường chưa đạt chuẩn thì đến nay mới chỉ có 10 trường đạt tiêu chuẩn về “tổ chức nhà trường”, 8 trường đạt tiêu chuẩn về “đội ngũ cán bộ, giáo viên”, 32 trường đạt tiêu chuẩn về “xã hội hóa giáo dục”, 2 trường đạt tiêu chuẩn về “chất lượng giáo dục” và đáng chú ý là không có trường nào đạt tiêu chuẩn về “cơ sở vật chất”. Ông Hà Thanh Quốc cũng thừa nhận một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục không đảm bảo cho xây dựng trường chuẩn. Chất lượng tuyển sinh lớp 10 thấp khiến cho tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, học sinh học lực yếu kém cao hơn quy định. Trong khi đó, hầu hết các trường do còn thiếu thốn về diện tích, phòng bộ môn, chức năng, khu giáo dục thể chất, nhà để xe chưa đảm bảo. Ngay cả một số ngôi trường có thương hiệu về chất lượng, chẳng hạn như THPT Sào Nam (Duy Xuyên) cũng không thể đạt chuẩn do rơi vào tình trạng quá tải về số lượng lớp, học sinh.
Không thể “chậm chân” hơn nữa, vừa qua, Sở GD-ĐT đã lập dự thảo đề án xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, dự kiến sẽ tập trung đầu tư cho 11 trường đang có nhiều khả năng hoàn thành trong thời gian đến. Tuy nhiên, điều băn khoăn vẫn là bài toán kinh phí và chất lượng. Bởi theo tính toán, mỗi trường muốn hoàn thiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất thì cần không dưới 10 tỷ đồng trong khi tỉnh đang có kế hoạch xây dựng mới 2 trường THPT ở vùng đông huyện Duy Xuyên và vùng tây huyện Tây Giang. Còn chất lượng giáo dục thì không thể trong một sớm một chiều tạo ra chuyển biến mà cần có thời gian. Dù sao đi nữa thì việc xây dựng trường chuẩn ở bậc THPT nay đã nhận được sự quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó và đó mới là điều quan trọng nhất. Khó nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được bởi nếu tất cả các ban, ngành chức năng cả tỉnh, các địa phương tích cực vào cuộc thì việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia không phải là điều vượt ra ngoài “tầm tay”. Nói như hiệu trưởng một trường THPT: “Các huyện, thành phố xây dựng đạt chuẩn cả hàng mấy trăm trường còn tỉnh chỉ có vài chục trường THPT không lẽ không làm được”.
XUÂN PHÚ