Cuộc đại chiến "Uber"
Thời gian gần đây, những tranh cãi về pháp lý, nên hay không nên cấm hoạt động của taxi sử dụng dịch vụ Uber (taxi Uber) ở các nước trên thế giới tiếp tục là chủ đề gây nhiều sự chú ý.
Ra đời từ năm 2009 tại San Francisco (Mỹ), Uber là một ứng dụng taxi được cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone). Đó là dịch vụ cho thuê xe và đi chung xe qua ứng dụng trên điện thoại di động, cho phép người sử dụng đi nhờ xe của một người hoàn toàn xa lạ với mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với đi taxi truyền thống. Đến nay, taxi Uber được sử dụng rộng rãi trên 200 thành phố của rất nhiều nước trong đó có Mỹ, Pháp, Đức… với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Như Chính phủ Singapore vừa chính thức thông báo sẽ không cấm taxi Uber mà sẽ ban hành các quy định và luật nhằm quản lý các hoạt động của các dịch vụ này trong thời gian tới. Trong khi nhiều khách hàng rất ưa chuộng khi sử dụng taxi Uber vì giá thành rẻ, tiện lợi, thì các tài xế taxi Uber cũng phát đi những mặt tích cực khi số khách hàng ngày càng tăng, giúp tài xế có thể biết thông tin về khách hàng của mình và ngược lại. Ngày 12.12, sau nhiều tranh cãi, Tòa án Thương mại Paris (Pháp) ra phán quyết taxi Uber có thể hoạt động tại Pháp nhưng kèm theo điều kiện là lái xe không được đỗ xe chờ khách, không được đi lòng vòng tìm khách, nếu vi phạm, công ty Uber sẽ bị phạt 20.000 euro/ngày.
Taxi Uber đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. |
Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi taxi Uber không phải lúc nào cũng suôn sẻ, ít nhất là trong lúc này khi nhiều chính phủ đã ban hành lệnh cấm dịch vụ hoạt động. Thậm chí làn sóng phản đối Uber lan rộng toàn cầu. Trong đó, nguyên nhân chính là tài xế thiếu giấy phép và môi trường cạnh tranh không công bằng mà Uber tạo ra. Tại Ấn Độ, dịch vụ Uber đã bị khai báo là vi phạm các quy định về hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng, tức là các lái xe Uber đã không tuân thủ luật lệ được thiết lập bởi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Đặc biệt, sau khi một nữ hành khách cáo buộc lái xe của Uber ở New Delhi đã cưỡng hiếp, đánh đập cô, các nhà chức trách tại đây lập tức đã cấm dịch vụ taxi Uber hoạt động. Bộ Giao thông vận tải Ấn còn cấm tất cả hoạt động cung cấp bất kỳ dịch vụ vận chuyển nào qua Uber.com. Lệnh cấm này đồng nghĩa với việc bất kỳ taxi Uber nào hoạt động ở New Delhi sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí bị tịch thu xe.
Vào đầu tháng 12.2014, Thái Lan cũng chính thức thông báo cấm taxi Uber hoạt động vì nhiều lý do như: các phương tiện Uber đã không đăng ký đúng cách, tài xế không có bằng lái, giá phí không đồng thuận với giá thị trường, dịch vụ không dành cho khách hàng không có thẻ tín dụng. Bộ Giao thông Thái lan cho biết, khi phát hiện hoạt động, những tài xế taxi Uber có thể đối mặt với mức phạt lên tới 4.000 baht (tương đương 120USD) hoặc có thể tịch thu xe có dịch vụ Uber. Trong khi đó, hàng loạt các nước châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha vừa phát hành lệnh cấm ứng dụng taxi Uber bởi dịch vụ này bị cho là phạm luật.
Vấn đề về Uber tiếp tục dậy sóng tại nhiều quốc gia. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì chỉ trích Uber thì các hãng taxi truyền thống nên nâng cấp dịch vụ của mình để đáp ứng như cầu của khách hàng.
NAM VIỆT