Hỗ trợ khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn

T.V (tổng hợp) 15/12/2014 09:18

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định Số 41/2014/QĐ-UBND, quy định nội dung ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 14.12.2014.

Quy định này áp dụng đối với sản xuất cây hàng năm trong nông nghiệp, cây dược liệu (trừ cây sâm Ngọc Linh có quy định riêng). Đối tượng áp dụng gồm: doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là tổ chức đại diện của nông dân) có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng phương án cánh đồng lớn (sau đây gọi tắt là phương án). Các hình thức hợp tác, liên kết quy định trong quyết định này gồm: hợp tác liên kết giữa nông dân, các tổ chức đại diện của nông dân, doanh nghiệp với nhau, được thực hiện bằng các hợp đồng.

Nhiều cơ chế hỗ trợ

Theo quy định, để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác để cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, gắn với mua nông sản của hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Khi đủ điều kiện, ngoài chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điều 4 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng, bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, tổ chức lớp học; mức hỗ trợ được áp dụng theo điều 5 Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách địa phương. Mức hỗ trợ tối đa cho một phương án không quá 50 triệu đồng; quy mô của một lớp tập huấn tối đa không quá 50 học viên, tối thiểu 30 học viên.

Đối với tổ chức đại diện của nông dân, sau khi đáp ứng điều kiện có hợp đồng và thực hiện cung ứng đầu vào cho sản xuất hoặc tổ chức sản xuất hoặc tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên và nông dân trên địa bàn, ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, điều 5 Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn được hỗ trợ cụ thể như sau: Được UBND cấp huyện và UBND cấp xã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án và vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản tại cánh đồng lớn. Hỗ trợ tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên tham gia sản xuất tại các cánh đồng lớn (mức chi phí thực tế làm căn cứ tính hỗ trợ, nhưng không quá 600 nghìn đồng/ha/vụ đối với năm đầu và 400 nghìn đồng đồng/ha/vụ trong năm thứ 2; tổng mức hỗ trợ tối đa cho một phương án không quá 100 triệu đồng). Cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tập huấn về công tác quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất do Sở NN&PTNT tổ chức, nội dung hỗ trợ bao gồm chi phí về ăn, ở, mua tài liệu, thuê hội trường, thù lao giảng viên, các chi phí khác theo quy định hiện hành; Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng giữa tổ chức đại diện của nông dân ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, tổ chức lớp học; mức hỗ trợ được áp dụng theo điều 5 Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh (mức hỗ trợ tối đa cho một phương án không quá 50 triệu đồng; quy mô của một lớp tập huấn tối đa không quá 50 học viên, tối thiểu 30 học viên).

Riêng với đối tượng nông dân, sau khi cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được UBND cấp xã xác nhận sẽ được ưu đãi, hỗ trợ cụ thể như sau: Được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và thông tin thị trường miễn phí liên quan đến loại sản phẩm tham gia cánh đồng lớn. Hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong phương án, nhưng tối đa không quá 400 nghìn đồng/ha đối với cây lúa, cây ngô, sắn nguyên liệu và cây có bột (riêng giống lúa lai để sản xuất hạt F1, hỗ trợ không quá 1 triệu đồng/ha); giống đậu phụng và cây công nghiệp ngắn ngày khác: hỗ trợ không quá 800 nghìn đồng/ha; hỗ trợ giống rau các loại và giống các loại cây dược liệu không quá 30% giá thực tế trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp, thời hạn tối đa 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.

Xử lý theo pháp luật khi vi phạm hợp đồng

Về kinh phí hỗ trợ, ngoài nguồn ngân sách trung ương (quy định tại điều 7 Quyết định số 62/2013/TTg) và ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho các phương án theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho ngân sách các huyện, thành phố để thực hiện theo nguyên tắc sau: phương án thực hiện tại địa bàn các huyện, thành phố tự cân đối ngân sách thì đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%; phương án thực hiện tại địa bàn các huyện, thành phố chưa tự cân đối ngân sách, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% đối với huyện đồng bằng và 100% đối với huyện miền núi. Bên cạnh đó, UBND huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí ngân sách cấp mình và nguồn kinh phí tỉnh bổ sung có mục tiêu theo các cơ chế của tỉnh, nguồn vốn chương trình, dự án và vốn chương trình xây dựng nông thôn mới để bố trí kinh phí đối ứng và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản tại cánh đồng lớn.

Quy định cũng nêu rõ, căn cứ vào phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân lập kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết gửi UBND cấp huyện tổng hợp gửi về Sở NN&PTNT trước ngày 15.8 hàng năm (riêng năm 2014, trước 20.12) trình UBND tỉnh phê duyệt và phân bổ kinh phí cho các huyện, thành phố để hỗ trợ. Trường hợp phương án được UBND tỉnh phê duyệt, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân lập kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết (có xác nhận của UBND cấp huyện nơi có thực hiện phương án) gửi trực tiếp về Sở NN&PTNT. Riêng đối với nông dân, sẽ căn cứ hợp đồng (mẫu hợp đồng ở Phụ lục I của Thông tư 15/2014/TT-BNNPTNT) cùng biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản được ký giữa doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân với nông dân, trong khuôn khổ các phương án trên địa bàn xã, phường, thị trấn, được UBND cấp xã xác nhận để UBND cấp huyện căn cứ hỗ trợ cho nông dân, hoặc cấp kinh phí cho UBND cấp xã (từ nguồn kinh phí được tỉnh phân bổ) trực tiếp hỗ trợ cho nông dân theo quy định.

Quy định cũng có các điều, khoản yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, cùng với UBND cấp huyện định kỳ tổ chức công tác kiểm tra, theo dõi, tổng hợp đánh giá việc thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT. Đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành khi phát hiện các bên tham gia liên kết vi phạm hợp đồng.

T.V (tổng hợp)

T.V (tổng hợp)