Bàn giao các trung tâm giáo dục thường xuyên: Lại chuyện nợ lương

LÊ PHƯỚC LAN NHI 13/12/2014 08:49

Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề (gọi chung là GDTX-HN&DN) thiếu kinh phí, nợ lương cán bộ, giáo viên và nhân viên kéo dài là “bài toán” cần tháo gỡ khi bàn giao từ Sở GD&ĐT về các địa phương quản lý.

Cán bộ, giáo viên Trung tâm GDTX-HN&DN bức xúc vì nợ lương kéo dài.
Cán bộ, giáo viên Trung tâm GDTX-HN&DN bức xúc vì nợ lương kéo dài.

Nợ lương kéo dài

Gần 2 tháng nay, Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Tiên Phước lâm vào tình trạng sống dở chết dở do không đủ kinh phí hoạt động. Dù xoay xở mọi cách để cân đối thu chi, nhưng trung tâm vẫn lâm vào cảnh “nợ chồng nợ”; lương cán bộ, giáo viên và nhân viên (gọi tắt GV) đã hết khả năng chi trả từ cuối tháng 10.2014. Ông Lê Viết Thọ - Giám đốc Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Tiên Phước cho biết, trung tâm hiện có 7 GV (3 biên chế, 4 hợp đồng), bình quân mỗi tháng trung tâm trả 49 triệu đồng tiền lương cho GV của trung tâm và thuê giảng dạy. Nguồn ngân sách Sở GD&ĐT chuyển năm 2014 là 542 triệu đồng, chỉ đủ chi lương GV và sửa chữa cơ sở vật chất (35 triệu đồng) đến cuối tháng 10.2014. “Ngoài nợ lương GV hai tháng 11 và 12 không có khả năng chi trả, trung tâm còn nợ 43,5 triệu đồng các khoản khác, như công tác phí, thiết bị dạy học, sửa chữa điện, máy tính, tiền nước uống... Trước mắt, chúng tôi phải xin kinh phí của các sở, ngành chức năng để trả lương GV. Nếu không được thì xin khất nợ để chiêu sinh các lớp dạy nghề lấy kinh phí chi lương cho anh chị em chứ không còn cách nào khác” - ông Thọ nói.

Nợ lương cũng là tình trạng chung của hầu hết Trung tâm GDTX-HN&DN trên địa bàn tỉnh hiện nay. Một trong những trung tâm nợ lương kéo dài là Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Thăng Bình, với tổng chi phí lương của 12 GV từ tháng 10 đến tháng 12.2014 không có khả năng chi trả lên tới 240 triệu đồng. Dù đã cố gắng bổ sung các nguồn thu để cân đối thu chi, nhưng Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Thăng Bình cũng bất lực, GV của trung tâm không biết đến bao giờ mới có thể nhận lương hai tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thế Quốc - GV Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Thăng Bình, trăn trở: “Tôi có 20 năm làm GV. Thật lòng mà nói, nợ lương không thể không tác động đến đời sống của GV, nhưng bổn phận với học sinh và xã hội nên chúng tôi phải lên lớp”. Ông Ngô Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Thăng Bình, cho biết: “Nguồn ngân sách được giao từ đầu năm chỉ đủ chi tới tháng 9. Mới đây, trung tâm đã gửi tờ trình và được Sở GD&ĐT bổ sung 63 triệu đồng, chỉ đủ cân đối chi lương tháng 10”.

Sẽ tốt hơn?

Hầu hết trung tâm GDTX-HN&DN mất khả năng chi trả lương cho GV là do  nguồn tuyển sinh hạn chế, không đủ cân đối thu chi để mở lớp; do cơ chế quản lý nên một số trung tâm rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Hoạt động cầm chừng, nguồn thu hạn chế, nay lại thêm việc nợ lương khiến hoạt động của trung tâm càng thêm khó khăn. Trong tháng 12 này, toàn bộ 12 trung tâm GDTX-HN&DN được bàn giao từ Sở GD&ĐT về UBND các huyện, thành phố quản lý theo Quyết định 3634/QĐ-UBND, ngày 13.11.2014 của UBND tỉnh. Theo đó, các địa phương Duy Xuyên, Nam Trà My, Bắc Trà My, Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình và TP.Hội An phải hoàn thành công tác bàn giao, báo cáo UBND tỉnh để triển khai các bước tiếp theo (Báo Quảng Nam ngày 24.11 đã thông tin). Tuy nhiên, cùng với hiện trạng cơ sở vật chất khó khăn, nguồn nhân lực, tình trạng nợ lương nếu không được giải quyết dứt điểm cũng sẽ gây vướng mắc trong quá trình bàn giao. Ông Lê Viết Thọ - Giám đốc Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Tiên Phước, kiến nghị: “Thời gian tới các trung tâm sẽ đổi tên thành trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên cho phù hợp với Đề án 1956 của Chính phủ, mà dạy nghề là nhu cầu cần thiết của trung tâm. Chúng tôi rất mong UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ kinh phí để chi trả lương cho GV và các khoản chi khác trước khi trung tâm chuyển về huyện quản lý”.

Lãnh đạo các địa phương chuẩn bị tiếp nhận, quản lý các trung tâm GDTX-HN&DN đều cho rằng, chuyển giao các trung tâm này về huyện là hợp lý, vì cơ chế quản lý loại hình hoạt động trung tâm chưa mang lại hiệu quả. Bàn giao cho địa phương quản lý thì thuận lợi. Tuy nhiên, cần giải pháp đồng bộ để giải quyết các khó khăn về cơ sở vật chất, bộ máy cán bộ GV, kinh phí hoạt động và lương cho GV phải giải quyết dứt điểm thì các trung tâm này mới hoạt động được. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết: “Để hoạt động của trung tâm GDTX-HN&DN có hiệu quả, địa phương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh triển khai sắp xếp lại bộ máy, điều động, bố trí con người hợp lý; đồng thời sẽ giao chức năng nhiệm vụ đúng theo quy định để trung tâm đi vào hoạt động. Phải có cơ chế hỗ trợ làm sao trung tâm sống và hoạt động được. Chúng tôi sẽ giao cho trung tâm công tác đào tạo nghề và lao động nông thôn, quản lý các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện”. Theo ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trung tâm GDTX-HN&DN huyện hằng năm ngân sách chỉ đủ 80%, còn lại 20% phải tìm kiếm từ nhiều nguồn khác. Lâu nay địa phương có quan tâm nhưng chỉ can thiệp vừa phải, vì trung tâm thuộc tỉnh. “Trung tâm GDTX-HN&DN bàn giao về địa phương thì quản lý sát hơn, có trách nhiệm hơn, vì “một mẹ một con” nên chắc chắn việc quản lý, tổ chức hoạt động sẽ tốt hơn” - ông Mai ví von.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

LÊ PHƯỚC LAN NHI