"Ngôi nhà nhân ái"
Bằng tình thương, sự đồng cảm, những cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh đang xây dựng nơi đây thành “ngôi nhà nhân ái” của những người kém may mắn.
Được sự tài trợ của Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh chính thức khánh thành vào tháng 5.2013, đang chăm sóc, nuôi dưỡng cho 50 đối tượng trên địa bàn TP.Tam Kỳ và một số địa phương lân cận. Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, thời gian đầu, các công đoạn từ quản lý đến chăm sóc, giáo dục đối tượng đều rất mới mẻ với cán bộ, nhân viên trung tâm. Đặc biệt, các đối tượng được nhận vào trung tâm khá đa dạng, vừa có người khuyết tật, trẻ bị bệnh đao, khiếm thính,… trong khi cả cán bộ lẫn nhân viên đều chưa có kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn. Ngoài 2 cán bộ, trung tâm có 1 nhân viên phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe; 1 giáo viên dạy học và 1 nhân viên nấu ăn. “Không có mô hình học tập, không có kinh nghiệm nên thời gian đầu cả cán bộ, lẫn nhân viên rất lúng túng trong việc quản lý, chăm sóc đối tượng. Khổ nhất là vấn đề sinh hoạt, ăn uống. Hầu hết các em được gia đình chăm sóc không theo nền nếp nên khi vào trung tâm nếp sinh hoạt khá lộn xộn. Các em ăn bằng tay, đi vệ sinh không đúng chỗ… khiến chúng tôi rất vất vả” - bà Liên chia sẻ.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh luôn làm việc bằng tình thương và trách nhiệm. Ảnh: V.A |
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cán bộ, nhân viên đơn vị đã dần khắc phục khó khăn để đưa trung tâm đi vào hoạt động nền nếp. Nhiều tổ chức, đoàn từ thiện đến thăm đều đánh giá cao công tác chăm sóc của trung tâm. Bà Liên cho biết: “Hiện nay các em vừa được học chữ, vừa được tập vật lý trị liệu và cả học nghề. Tuy tất cả chỉ mới là kết quả bước đầu nhưng đã cho thấy được nỗ lực của các cán bộ, nhân viên ở đây”. Như câu chuyện cô Nguyễn Thị Luyện, giáo viên phụ trách phục hồi chức năng và sức khỏe cho trẻ tại trung tâm. Tốt nghiệp ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, trong khả năng của mình có thể tìm việc ở một nơi tốt hơn, nhưng cô Luyện đã quyết định vào làm việc tại trung tâm dù biết rằng công việc không hề đơn giản. Cô Luyện chia sẻ: “Trước khi quyết định vào làm việc ở trung tâm, mình đã nhận thức được sự vất vả của công việc nơi đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chăm sóc, giúp đỡ những người kém may mắn, nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm, y đức của người theo ngành y”. Cô Luyện cũng chia sẻ rằng, dù đã xác định từ đầu nhưng vẫn thấy bất ngờ khi bắt tay vào công việc, một vài thứ hoàn toàn không như tưởng tượng, nhất là chuyện mỗi đối tượng có một tính cách, bệnh lý khác nhau khiến bản thân lúng túng. Tuy nhiên, khi thường xuyên chăm sóc, gần gũi các em, hiểu được nỗi bất hạnh, thiệt thòi của các em, cô Luyện càng đồng cảm, tận tụy với công việc.
Vẫn biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tình thương, trách nhiệm và sự đồng cảm, mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh đang từng ngày tận tâm, tận lực chăm sóc, chia sẻ nỗi đau với những phận đời kém may mắn, nạn nhân da cam.
ANH ĐÔNG