Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài cuối: Người xây thành trì Tổ quốc

TẤN VŨ 28/11/2014 08:57

Từ những cột mốc biên giới xa xôi đến những căn hầm sâu hun hút, từ Trường Sa đến nơi tận cùng của dãy Trường Sơn đều có mặt các anh. Công binh là vậy, đến rồi đi, các anh mang sứ mệnh của những người âm thầm xây thành trì Tổ quốc.

  • Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 3: Những lái xuồng siêu đẳng
  • Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 2: Phút "giao thừa" trong lòng biển
  • Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 1: Hải trình dông tố

Hiểm nguy rình rập

Ngày… tháng… năm…

Khi chuyển những viên đá cuối cùng từ tàu Trường Sa 21 lên đảo Đá Tây tập kết ở vị trí xây dựng, Trung tá Nguyễn Đức Huấn đi tìm bác sĩ. Buổi tối, bên mâm cơm chiều có đến hai chiến sĩ cùng Trung tá Huấn quấn băng thun nơi bàn chân. Họ vừa được bác sĩ của đảo giải phẫu lấy những viên sỏi nằm trong lòng bàn chân nhiều năm qua do đạp phải san hô, nay vết thương viêm nhiễm, đau nhức khi chuyển trời.
Hơn 12 năm từ ngày rời trường sĩ quan công binh cũng là chừng ấy năm ông Huấn quần quật với biển đảo. Xắn ống quần chi chít những vết cứa, có vết chỉ còn dấu thâm đen có vết đỏ còn rỉ máu. Một sĩ quan, hai sĩ quan và rất nhiều công binh khác của khung xây dựng đều có những vết thương như thế. Ông Huấn đùa: “Sĩ quan càng thâm niên với Trường Sa thì cứ nhìn ống chân là biết!”. Trường Sa nơi có rất nhiều dãy san hô, những cụm san hô khi chết kết thành mảng lớn nhô lên thành đảo. Nhưng những cụm san hô còn non khi đạp phải sẽ bị gãy sập như những hầm chông và sẽ bị cắt như dao. Ngày đầu tiên ra đảo, có đến 4 người bị san hô cắt. Dù đã mang giày quân đội, ống quần cột chặt nhưng mọi thứ đều bị xuyên thủng.

Ba ngày sau khi những khối đá lấp đầy một diện tích khá rộng của điểm xây dựng thì nỗi lo san hô không còn. Nhưng lúc này, những chiếc xuồng sắt nặng hàng tấn chất đầy đá cứ dập dìu theo con sóng trở thành điều đáng sợ. Những ngày sóng to, chỉ huy khung quyết định mỗi xuồng tải chỉ được kéo 2 xuồng đá thay vì 4 xuồng như ngày thường. Đại đội trưởng, người nhiều kinh nhiệm hơn tân binh có trách nhiệm đứng chặn giữ xuồng khi cập đảo và kéo dây. Nếu không cẩn thận chiếc xuồng đá theo lực quán tính và sóng đẩy lao thẳng vào thì cả xuồng tải và người bị kẹp nát ngay.

Những ngày nhà tạm chưa dựng được vì gió bão, gần 60 công binh trú trong căn nhà của đảo rộng khoảng 70m2. Đêm trải chiếc chiếu nằm bên hành lang nhà công vụ của đảo tối om, ẩm thấp và đầy hơi muối, Thiếu tá Trần Văn Sự tâm tư: “Sau sự cố Trung Quốc chiếm đảo vào ngày 14.3.1988 một năm là tôi đã đến với Trường Sa. Xây đảo bao giờ cũng trần ai. Tôi phải giành với anh em làm nhiệm vụ đỡ xuồng, bởi nếu không kinh nghiệm có thể gặp tai nạn, thành thương binh thì rất tội. Anh em còn trẻ quá”.
Nằm kề Thiếu tá Sự là bốn lính trẻ mới nhập ngũ, đều quê Nghệ An. Mệt nhoài sau một ngày bốc đá nhưng Tố, Lâm, Toản và Đông cố dúi đầu vào nhau bên hành lang để chăm sóc vết thương. Nhiều ngày ngâm mình trong nước mặn để khiêng đá khiến mười đầu ngón tay của những công binh này rớm máu. Chiếc bao tay bảo hộ lao động loại tốt nhất cũng chỉ chịu được hai ngày. Bôi thuốc đỏ lên tay cho bạn, Toản cười bảo: “Công binh thì chuyên làm nhà đẹp cho người khác mà mình thì ở nhà xấu. Xây nhà còn đỡ, làm cầu cảng là nặng nhất anh ạ! Nhưng dù sao cũng không bằng anh em công binh đi rà mìn, nguy hiểm gấp bội”. Trước khi ngủ ông Sự không quên kêu bốn bạn trẻ lại ngồi kề rồi dặn dò từng chi tiết, từng động tác khi đỡ xuồng, khi kéo dây và kéo xuồng tải.

Mơ nước ngọt cùng rau xanh

Ngày… tháng… năm…

Đảo Đá Tây có mưa nhưng lượng nước ngọt chỉ đủ dùng cho việc nấu ăn. Những ngày đầu công binh ra đảo chưa có bồn chứa nên nước ngọt được phân phát theo đầu người. Sĩ quan cũng như lính, đã công binh thì nước ngọt được chia đều. Chiếc ca bằng inox được khắc tên từng người, dung tích 1 lít, dành cho sinh hoạt buổi sáng vừa đánh răng và rửa mặt. Buổi chiều, cũng chừng ấy nước dùng cho việc thấm khăn ướt để lau nước mặn quanh người. Ở đảo, chiếc ca inox gần như là vật bất ly thân của các chiến sĩ công binh. Buổi sáng họ dùng nó chứa nước đánh răng. Lúc sau dùng ca này pha cà phê gói, xế chiều dùng nó để chế mì tôm và buổi tối dùng để tắm.

Chiều nào cũng vậy sau tiếng còi kết thúc ngày làm việc, anh em tự do sinh hoạt. Từng tốp người với mái đầu đầy bọt xà phòng đi từ trong nhà lao thẳng xuống biển. Sau khi tắm nước biển xong họ xếp hàng lấy nước ngọt và nhúng khăn lau người. Những chiều có mưa lớn từng tốp 4 - 5 người dùng những tấm ny lon đứng căng ra giữa trời hứng nước vào chậu để dành ngày mai sinh hoạt.

Gần một tháng trời dầm trong nước mặn, những mái tóc anh em công binh bắt đầu chuyển sang màu hung đỏ như dùng thuốc nhuộm. Binh nhất Vũ Văn Nam, cũng như hàng chục công binh trẻ nơi này đều có làn da đen bóng như gỗ mun, vừa vuốt tóc vừa đùa: “Anh thấy công binh trẻ có sành điệu không? Tóc hung đỏ như dân chơi thành phố á! May mà ở đây không có con gái”.

Ngày… tháng… năm…

Từ khi tàu Trường Sa 21 thả neo trong hồ Đá Tây, chỉ sau 4 ngày, mâm cơm của các chiến sĩ công binh trên đảo đã bắt đầu vắng bóng rau xanh. Không một loại rau nào có thể chịu đựng được hành trình dài và hơi muối mặn của biển. Những củ quả dự trữ bắt đầu đem ra sử dụng.

Nhìn những cơn mưa liên tiếp quật vào đảo, đất trời vần vũ, cán bộ phụ trách hậu cần âu lo: “Hàng dự trữ cho anh em ăn 2 tháng nhưng kẹt trên tàu không chuyển vào đảo được. Rất căng!”. Khung trưởng xây dựng, Trung tá Nguyễn Đức Huấn chia sẻ: “Thật ra, với công binh xây đảo, rau xanh là điều xa xỉ và chỉ có thể mơ ước. Có nhiều chuyến đi cả tháng không cọng rau. Anh em bốn năm ngày chẳng thể đi ngoài vì thiếu chất. Người rã rời”.

Một ít đất từ đất liền công binh mang ra theo tàu sẽ được đóng khung và gieo mầm cải. Đảo chìm, hết gió tây nam lại hứng gió mùa đông bắc nên không một loại rau nào sống được. Tất cả phải trồng trong lồng kính hoặc bao bọc bởi các túi ny lon. “Quân số đông, mầm cải gieo lên phải canh chừng, ngày liên hoan hoặc dịp gì mới nhổ. Quý lắm!” - ông Huấn nói.

Hơn mười năm làm lính công binh, thi công từ đảo Bạch Long Vĩ đến bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) và đường công vụ biên giới Việt - Lào tận núi rừng Thanh Hóa, rất nhiều công trình lớn nhỏ của đơn vị ông Huấn đều tham gia nhưng chưa lần nào sóng gió chờ đợi như lần này. “Sứ mệnh của công binh là đến và dựng xây, khi chiến công hoàn thành họ lại vác ba lô đến chinh phục các công trình khác. Cứ thế một đời trong gian nan chúng tôi âm thầm đi xây thành trì Tổ quốc” - ông Huấn tươi cười nhìn làn mưa trên biển.

TẤN VŨ

TẤN VŨ