Những người bạn Nhật

HÀN GIANG 28/11/2014 08:53

Đến với Quảng Nam bằng tấm lòng chân thành, cởi mở, chia sẻ để thông hiểu lẫn nhau, những người bạn Nhật cũng mang nặng nỗi trăn trở, ưu tư đối với những phận đời, hoàn cảnh kém may mắn, bất hạnh. Trăn trở, day dứt đã thôi thúc họ thêm nỗ lực, thêm quyết tâm trong hành trình tìm kiếm cơ hội, điều kiện để có thể giúp đỡ ngày càng nhiều hơn những hoàn cảnh, phận người kém may mắn, bất hạnh tại mảnh đất mà họ có thời gian gắn bó, xem là quê hương thứ hai của mình.
1. Năm 2004, nhà văn Hiromatsu Tomoko - Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama (Nhật Bản), tác giả của cuốn sách “Bà Nguyễn Thị Bình - Người phụ nữ làm thay đổi thế giới” cùng nhóm bạn đến thăm Bệnh viện tỉnh Tây Ninh. Cho đến bây giờ, trong ký ức của bà vẫn không thể quên được những khuôn mặt buồn bã của ông, bà, bố, mẹ ngồi quanh giường của những đứa trẻ yếu ớt. Nhà văn Hiromatsu Tomoko chia sẻ rằng, khi ấy bà luôn suy nghĩ sự vất vả, khó khăn của một số gia đình ở Việt Nam là gì? Những người Nhật chỉ âm thầm nhìn thôi sao. Và bà đã quyết định hành động theo cách riêng của mình.

Nữ nhà văn Hiromatsu Tomoko (đứng giữa) tại lễ trao nhà Nhân ái cho gia đình ông Đinh Duy Thanh (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị cung cấp).
Nữ nhà văn Hiromatsu Tomoko (đứng giữa) tại lễ trao nhà Nhân ái cho gia đình ông Đinh Duy Thanh (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị cung cấp).

Theo lời bà Tomoko, tại Quảng Nam, bà cùng những người bạn đã đến thăm nhà của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bà rất xúc động khi đến thăm gia đình em An ở huyện Núi Thành, dù bản thân là nạn nhân mang dị tật rất nặng, nhưng em đã nói “Vẫn còn có nhiều người đau khổ hơn gia đình cháu, xin hãy giúp đỡ họ”. Bà cũng đến thăm gia đình anh Nam ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên) để tìm hiểu, chia sẻ những khó khăn khi phải nuôi 2 đứa con đều bị phơi nhiễm chất độc da cam. “Đến với mỗi trường hợp, tôi có thể hiểu hơn về sự cảm thông với bạn bè của em An, hay sự lo lắng về tương lai con cái của anh Nam” - bà Komoto tâm sự. Hiểu, day dứt và mong muốn được xoa dịu, làm vơi bớt nỗi đau của những phận người không may bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, bà Tomoko đã dùng tiền bán sách, rồi tích cực quyên góp trong hội viên để hỗ trợ xây nhà “Nhân ái” cho gia đình nạn nhân da cam. Từ năm 2012 đến nay, đã có 14 nhà “Nhân ái” được hỗ trợ xây dựng và nhiều nhà khác đang nằm trong dự định. “Từng căn nhà được đánh số thứ tự theo yêu cầu của bà Tomoko. Bà còn nêu quyết tâm khi chia sẻ rằng “khả năng của tôi có hạn nhưng còn có sức khỏe tôi còn tìm nguồn hỗ trợ xây nhà cho các nạn nhân da cam, tôi muốn được đếm các số thứ tự ngày một lớn hơn”” - ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh cho hay.

“Tình cảm của những người bạn quốc tế, trong đó có những người bạn Nhật Bản dành cho đất và người Quảng Nam được kết nối từ sự đồng cảm, chia sẻ và được đúc kết bằng chính những việc làm có ý nghĩa thiết thực. Đó là hành động, là nghĩa cử cao đẹp, trong sáng xuất phát từ cảm thức và thôi thúc kết nối, tìm sự đồng điệu của mỗi con tim yêu chuộng hòa bình”.
(Ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh)

2. Đầu năm 2007, ông Kato Fumio - Giám đốc dự án JICA TP.Minamiboso (tỉnh Chiba, Nhật Bản) đến thăm nhiều địa phương của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Mục đích của chuyến đi là khảo sát tìm xem nơi nào có thể áp dụng được mô hình Trạm dừng nghỉ như ở Nhật Bản. Từ tâm huyết đó, ngày 26.1.2010, Trạm dừng nghỉ Bình An được khánh thành, có những nét khác biệt lớn so với mô hình trạm dừng nghỉ của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Kato Fumio vẫn còn trăn trở làm sao để nông dân xứ Quảng hưởng được giá trị nhiều hơn từ thành quả lao động trên các cánh đồng. Và rồi dự án “Phát triển kinh tế địa phương với sự tham gia của người dân dựa trên kinh nghiệm của TP.Minamiboso về trạm dừng nghỉ đường bộ” được thực hiện thông qua đối tác là Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Quảng Nam. Theo đó, nông sản an toàn do nông dân làm ra sẽ trực tiếp đến với người tiêu dùng, bỏ qua các công đoạn trung gian để có thu nhập cao hơn trên một sản phẩm. Vì vậy, ông Kato Fumio tích cực huy động sự hỗ trợ từ JICA, tổ chức những hoạt động giúp hình thành cơ chế có lợi cho cả mô hình trạm dừng nghỉ và kinh tế địa phương.

Đến nay, cùng với các mô hình sản xuất được JICA hỗ trợ trên địa bàn, hiệu quả hoạt động của mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) đã củng cố thêm niềm tin cho ông Kato Fumio và những cộng sự nỗ lực hơn với ý nguyện giúp nông dân xứ Quảng cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. “Tôi hết sức cảm kích trước sự tích cực phối hợp, lòng nhiệt thành của các vị Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Quảng Nam qua các nhiệm kỳ khác nhau và cán bộ của tỉnh - những người tâm huyết với dự án. Điều đó tạo cho tôi sự vững tin và càng quyết tâm dồn hết sức lực để mô hình trạm dừng nghỉ bén rễ tại mảnh đất Quảng Nam. Cũng có thể những gì tôi đã và đang làm là sự tuân theo một cách vô thức ý nguyện của những người Nhật đã sống đến cuối đời tại Hội An cách đây 400 năm” - ông Fumio tâm sự.

HÀN GIANG

HÀN GIANG