Vận chuyển carbon từ Bồng Miêu về Phước Sơn: Lo ngại vỡ hồ chứa chất độc

TRẦN HỮU 28/11/2014 08:31

Việc Tập đoàn Besra kiến nghị các cơ quan hữu quan cho phép đơn vị chuyển carbon từ Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) về Phước Sơn để tách vàng nhằm tái sản xuất đã gặp sự phản ứng của các ngành và chính quyền địa phương.
Không lường trước hậu quả

Ngày 30.9, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt Công ty Vàng Bồng Miêu - Tập đoàn Besra) có Công văn số 720-14/BGM gửi UBND huyện Phước Sơn với nội dung Công ty Bồng Miêu “sẽ hợp tác với Công TNHH Vàng Phước Sơn (Công ty Vàng Phước Sơn) đóng tại địa phương này để vận chuyển carbon ngậm vàng khai thác được tại mỏ vàng Bồng Miêu qua Phước Sơn để chế biến nhằm tiết kiệm chi phí, tránh thất thoát tài nguyên”. Theo đại diện Tập đoàn Besra, việc tách vàng tại Công ty Vàng Phước Sơn sẽ giúp cho một số lao động của công ty này có thể quay trở lại làm việc trong lúc nhà máy đang tạm thời đóng cửa, giúp một số dây chuyền công nghệ của nhà máy được khởi động, tránh tình trạng hỏng hóc, hay sự cố khác do ngừng họat động quá lâu. Tần suất vận chuyển khoảng 2 chuyến/tuần (mỗi chuyến khoảng 1 tấn carbon ngậm vàng). Từ ngày 23.10, Tập đoàn Besra đã bắt đầu vận chuyển carbon từ nhà máy Bồng Miêu sang Phước Sơn.

Dây chuyền tinh luyện vàng tại Công ty Vàng Bồng Miêu.Ảnh: T.H
Dây chuyền tinh luyện vàng tại Công ty Vàng Bồng Miêu.Ảnh: T.H

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của huyện Phước Sơn cản trở, yêu cầu dừng mọi hoạt động vận chuyển carbon ngậm vàng. Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn ký văn bản (Công văn số 437/UBND-KT) gửi Sở Tài nguyên – môi trường và UBND tỉnh đưa ra hàng loạt cảnh báo xấu. Địa phương này cho rằng, nếu để 2 công ty thuộc Tập đoàn Besra “trao đổi” qua lại carbon ngậm vàng và quặng vàng khai thác được từ dưới mỏ lên để tinh luyện vàng sẽ gây ra vỡ các hồ chứa chất độc hại tại nhà máy tinh luyện vàng Đắk Sa (đóng tại xã Phước Đức, thuộc Công ty Vàng Phước Sơn), tai họa sẽ không lường hết được.

Theo ông Hà, qua theo dõi, quản lý địa bàn Công ty Vàng Phước Sơn từ tháng 7.2013 đến nay, doanh nghiệp đã vi phạm các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, có 2 lần xả thải chưa qua xử lý và UBND tỉnh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng. Về chế độ đối với người lao động, từ đầu năm 2014, công ty không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và không thanh toán chế độ cho người lao động nghỉ việc. “Hiện nay, công ty đã ngừng hoạt động, các bãi thải chứa quặng của công ty chưa xử lý theo đúng như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Nếu tiếp nhận carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu qua Phước Sơn để chế biến thì sự cố ô nhiễm môi trường liên quan đến hóa chất độc hại trên địa bàn huyện Phước Sơn không thể lường trước” - ông Nguyễn Mạnh Hà cảnh báo.

Chưa đánh giá tác động môi trường

Theo chính quyền huyện Phước Sơn, việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Công ty Vàng Bồng Miêu về Phước Sơn để chế biến thì trong quặng vận chuyển này có lượng hóa chất độc hại lớn không xác định được, trong khi đề án đánh giá tác động môi trường của Công ty Vàng Phước Sơn không nêu vấn đề này. Lợi dụng việc vận chuyển này các doanh nghiệp có thể trao đổi chở quặng từ Phước Sơn về lại Bồng Miêu hoặc ngược lại nhằm “đánh tráo”, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý khoáng sản, môi trường và trốn thuế… Trong quá trình vận chuyển sẽ làm ảnh hưởng đến giao thông của người dân, đặc biệt là tuyến đường từ thôn 5 đến thôn 4 xã Phước Đức giáp Công ty Vàng Phước Sơn đã xuống cấp trầm trọng. Do vậy, địa phương hoàn toàn không thống nhất với việc đưa carbon ngậm vàng từ Bồng Miều về Phước Sơn.

Đồng tình với quan điểm của UBND huyện Phước Sơn, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp tục có văn bản (Công văn số 60/HĐND-DT) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng liên quan và Công ty Vàng Phước Sơn khẩn trương có biện pháp xử lý, gia cố các hồ chứa chất thải độc hại của công ty. Hiện doanh nghiệp đang ngừng hoạt động nên các hồ chứa hóa chất không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ vỡ các hồ chứa chất thải là rất lớn trong mùa mưa bão sắp đến. Ban Dân tộc cũng kiến nghị với Bộ Tài nguyên - môi trường không cho phép Công ty Vàng Phước Sơn vận chuyển carbon ngậm vàng từ nhà máy sản xuất vàng Bồng Miêu về Phước Sơn để chế biến vàng. Vì quá trình vận chuyển, chế biến quặng carbon ngậm vàng sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, dễ dẫn đến thất thoát nguồn tài nguyên.

Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Viễn đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản, UBND huyện Phước Sơn và UBND tỉnh. Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng: Công ty Vàng Phước Sơn đã đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, tuyển quặng với công nghệ được đánh giá là hiện đại; quy trình khai thác, chế biến khép kín. Việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu về Phước Sơn trong dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường chưa thể hiện nội dung này. Quan điểm của Sở Tài nguyên - môi trường là cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển carbon ngậm vàng, nếu chỉ đơn thuần vận chuyển thì không đến mức lo ngại về môi trường bởi trước đây Bộ Tài nguyên - môi trường cũng cho phép doanh nghiệp chở quặng. Được biết, đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên - môi trường vẫn chưa có ý kiến chính thức xoay quanh đề xuất của Tập đoàn Besra.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU