OPEC trước sức ép của giá dầu
Hôm nay (27.11), giới quan sát đang đổ dồn vào cuộc họp của các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tại thủ đô Vienna của Áo, rằng sản lượng dầu mỏ có được cắt giảm hay không.
Việc giá dầu giảm mạnh và liên tục từ nhiều tháng qua, thậm chí chạm dáy dưới mức thấp nhất trong vòng 4 năm được xem như món quà đối với nhiều nước và người tiêu dùng trên toàn cầu. Nhưng điều này cũng khiến OPEC đứng trước sức ép cắt giảm để ngăn chặn giá dầu đi xuống, có thể đạt ngưỡng 60 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc họp, nhiều nước của OPEC - hiện cung cấp 1/3 lượng dầu tiêu thụ trên thế giới trong đó có Ả-rập Saudi và những nước sản xuất trọng yếu khác đã không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, giá dầu sụt giảm do có sự dư thừa dầu trên thị trường thế giới, nhu cầu yếu hơn tại châu Á và châu Âu vì nền kinh tế toàn cầu bấp bênh, đồng thời sản lượng dầu gia tăng mạnh ở Mỹ. Ngoài ra, nhiều chuyên gia hoài nghi, các nước đứng đầu OPEC quan tâm đến việc bảo vệ thị phần nhiều hơn việc ổn định giá. Bằng chứng là trong tháng 10, OPEC sản xuất 30,97 triệu thùng/ngày, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp vượt mục tiêu 30 triệu thùng.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft vừa công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu. |
Cuộc họp được xem là nỗ lực ngoại giao của Venezuela và sự quan tâm của Iran, Lybia là các thành viên của OPEC đồng thời là những nước có trữ lượng dầu lớn nhưng khi giá dầu thế giới giảm mạnh đã tác động mạnh đến nền kinh tế mỗi nước trên. Ví như tại Venezuela, thu nhập từ dầu mỏ đã giảm tới 35%. Lãi suất trái phiếu của nước này chạm mốc cao nhất 6 năm trong khi dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất 11 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khả năng giá dầu sẽ được duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài; các nước sản xuất và tiêu thụ dầu chính sẽ phải tái điều chỉnh chính sách kinh tế, chiến lược để theo kịp với những thay đổi then chốt trong bức tranh năng lượng toàn cầu này. Bởi việc cắt giảm sản lượng là một thách thức đối với OPEC, khi tổ chức này thiếu một hệ thống về mức hạn ngạch sản lượng cho từng nước thành viên. Điển hình là OPEC từng không cắt giảm nguồn cung kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mặc dù không phải là thành viên của OPEC nhưng Nga cũng là nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Bộ Tài chính Nga ngày 24.11 công bố số liệu cho thấy nền kinh tế Nga mỗi năm thiệt hại khoảng 100 tỷ USD do giá dầu giảm. Kể từ tháng 6 năm nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm 30%, hiện xuống mức 75USD/thùng - thấp nhất vòng 4 năm qua, và đồng Rúp Nga cũng mất giá kỷ lục. Trước tình hình đó, ngày 25.11, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft - chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu lửa của Nga đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 25.000 thùng/ngày do “các điều kiện thị trường” trong bối cảnh giá dầu thô liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán việc cắt giảm này không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu mỏ thế giới hiện nay.
QUỐC HƯNG