Chế biến nông sản bằng công nghệ mới
Huyện Thăng Bình đang tập trung ứng dụng công nghệ mới trong chế biến nông sản để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm.
Tráng bánh bằng máy
Cơ sở sản xuất bánh tráng cuốn Hai Nga (tổ 12, thị trấn Hà Lam) do hai sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường làm chủ. Anh Nguyễn Đông Nhựt vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh còn Nguyễn Đông Hà thì vừa tốt nghiệp Đại học Thể dục - thể thao TP.Đà Nẵng. “Nhận thấy tráng bánh bằng công nghệ mới có thể đem lại thu nhập cao nên chúng tôi đã liên hệ với Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình đề xuất ứng dụng công nghệ mới này. Rất may là từ khi đi vào vận hành, công nghệ mới đã đem lại hiệu quả tương đối cao” - Nguyễn Đông Nhựt nói. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất bánh tráng cuốn Hai Nga sản xuất được hơn 100kg bánh tráng thành phẩm. Với giá bán thương phẩm là 30 nghìn đồng/kg, cơ sở sản xuất thu được 3 triệu đồng/ngày. Trong khi chi phí để sản xuất chỉ tốn chừng 1/3 giá trị sản phẩm nên hiệu quả kinh tế thu được tương đối cao: khoảng 50 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm này, thu nhập của lao động ổn định ở mức 4 triệu đồng/tháng. “Từ thành quả bước đầu, chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng sản xuất trong thời gian đến. Theo tính toán, mỗi ngày chúng tôi có thể sản xuất được 200kg bánh tráng cuốn. Với giá bán hiện tại, doanh thu của chúng tôi có thể đạt gấp đôi, khoảng 100 triệu đồng/tháng. Sản xuất bánh tráng cuốn bằng máy cho sản lượng, năng suất và giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cách làm thủ công truyền thống” - anh Nguyễn Đông Hà cho biết thêm.
Anh Nguyễn Đông Hà và bánh tráng được sản xuất bằng máy. Ảnh: Q.V |
Anh Nguyễn Đông Nhựt cho biết, ứng dụng công nghệ sản xuất bánh tráng cuốn bằng máy không quá phức tạp mà lại cho năng suất rất cao. Gạo sau khi được ngâm và vo sạch sẽ được xay bằng máy. Sau khi được lắng nước và trộn muối, nguyên liệu đem tráng bánh bằng thiết bị là nồi kim loại chứa nước được đốt nóng bằng lò. Sau khi được hấp khoảng 30 - 40 giây trong lò, bột gạo sẽ chín. Lúc này người sản xuất sẽ gắn phên tre (dùng để phơi bánh) vào băng chuyền để đưa bánh tráng ra ngoài. Bánh tráng sau khi được phơi sẽ được tách ra khỏi phên phơi và được cắt, xén và đóng gói bằng bao bì để bán. Bánh tráng cuốn được sản xuất theo công nghệ này có thể được bảo quản trong vòng 3 - 4 tháng. Kinh phí lắp đặt công nghệ tổng cộng 340 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng còn lại 260 triệu đồng là vốn đối ứng của chủ cơ sở sản xuất. “Sản xuất bánh tráng cuốn là nghề truyền thống của gia đình từ bao năm nay. Nhờ mày mò kỹ càng, chúng tôi đã phát triển sản xuất bằng ứng dụng công nghệ mới này. Đây là thành quả mà chúng tôi rất tự hào” - anh Nhựt nói.
Cơ khí hóa phở sắn
Sản phẩm sắn trồng đem lại giá trị kinh tế không cao nên tại một số địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình đã hình thành nghề làm phở sắn. Dần dà, phở sắn trở thành nghề truyền thống của một số xã, tiêu biểu như Bình Quý. Phở sắn được làm tại đây đã được đem bán ở nhiều chợ khắp vùng quê Quảng Nam. Tuy nhiên, do sản xuất thủ công, chưa áp dụng công nghệ sấy, nghề này chỉ sản xuất vào mùa nắng. Thời gian gần đây, huyện Thăng Bình có chủ trương phát triển nghề làm phở sắn để vừa tăng thu nhập cho người dân vừa giải quyết lao động nhàn rỗi. “Sản xuất phở sắn phải trải qua nhiều công đoạn như cạo vỏ sắn, máy bột, ngâm bột, đánh bột, ép phở, phơi nắng, đóng gói nhưng các công đoạn này đều được người dân giải quyết bằng thủ công, vừa lâu, chất lượng thấp mà lại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chúng tôi đang triển khai mô hình sản xuất phở sắn bằng công nghệ mới. Theo đó các quy trình sản xuất sẽ được ứng dụng trên thiết bị cơ khí bán tự động. Điều này không chỉ nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm mà còn đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường” - ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết.
Sản xuất phở sắn theo công nghệ mới được Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình triển khai ở làng nghề chế biến phở sắn truyền thống xã Bình Quý. Đến thời điểm này, huyện Thăng Bình đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp Quảng Nam thực hiện sửa chữa nhà xưởng để lắp đặt hệ thống sản xuất mới gồm các thiết bị khuấy, ép sợi và thiết bị tạo hình bán tự động cho sợi phở. Quy trình sản xuất phở sắn sẽ được thực hiện qua các công đoạn gồm gọt vỏ sắn, máy bột, ngâm tẩy, khuấy bột, ép sợi, phơi nắng và đóng gói. Theo tính toán của Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình, sản xuất phở sắn bằng công nghệ cơ khí bán tự động có công suất 30kg/giờ. Nguồn vốn để thực hiện công nghệ này là 207 triệu đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ là 131 triệu đồng, vốn đối ứng của làng nghề là 76 triệu đồng. “Đến thời điểm này đã có 10 hộ ở làng nghề chế biến phở sắn xã Bình Quý đăng ký tham gia mô hình. Chúng tôi tin tưởng công nghệ sản xuất phở sắn bằng hệ thống cơ khí bán tự động sẽ không chỉ giảm sức lao động năng nhọc cho người dân, tăng thời gian sản xuất mà còn giúp các hộ sản xuất phát triển bền vững nghề truyền thống này” - ông Đỗ Võ Bán nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT