Nguồn nước tại vùng tôm nhiễm mặn
Tình trạng nuôi tôm trên cát không đúng quy hoạch và khai thác quá mức nguồn nước ngầm khiến nhiều hộ dân ở các vùng ven biển Núi Thành, Thăng Bình lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng.
Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát phát triển ào ạt tại các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (Núi Thành) trong vài năm trở lại đây. Nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng mọc lên và liên tục “phình” ra dọc theo dải đất vốn nhỏ hẹp bởi nằm giữa sông Trường Giang và biển. Ao nuôi san sát dọc theo đường Thanh niên ven biển, một số nằm trong khu dân cư, thậm chí “treo” lơ lửng trên những đồi cát... là những “túi” nước mặn dễ bị thấm lậu, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.
Thừa mặn, thiếu ngọt
Để có nguồn nước mặn cung cấp cho ao nuôi, các hộ dân đã đóng rất nhiều miệng giếng ở mép nước biển, dẫn đường ống ngang qua các khu dân cư, chuyển về hồ nuôi. Còn nguồn nước ngọt để pha lẫn nước mặn trong quá trình nuôi thì được hút trực tiếp từ các giếng đóng tại chỗ. Trung bình một ao nuôi 4 sào người dân phải đóng đến 6 chân giếng nước mặn và 3 chân giếng nước ngọt. Thế nhưng gần đây nguồn nước ngọt rất khan hiếm, có nhiều người nuôi tôm phải tìm nơi đóng giếng quanh vùng nhưng vẫn lâm vào cảnh thiếu nước; một số khác phải làm đường ống chuyển nước ngọt lẫn nước mặn vượt sông Trường Giang dẫn vào ao nuôi bởi nguồn nước tại chỗ không đảm bảo và khan hiếm. Dưới miệng nhiều cống thoát nước của tuyến đường Thanh niên ven biển qua xã Tam Tiến chằng chịt đường ống dẫn nước mặn và nước thải. Ông Nguyễn Xuân Hùng (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) cho biết, cùng với việc thấm lậu từ các “túi nước mặn” là các ao nuôi tôm trên cát, những đường ống này cũng rỉ rả chảy ra đất, cùng với nước thải thấm xuống gây ô nhiễm nguồn nước.
Sử dụng thùng lọc vì nước nhiễm mặn. Ảnh: V.Hào |
Hơn một năm nay, gia đình ông Hùng không thể sử dụng nguồn nước bơm từ giếng để nấu ăn do đã nhiễm mặn. Ông nói: “Mấy năm trước, nguồn nước ngọt tại đây được tiếng là sạch sẽ, đảm bảo chất lượng. Trước đây tôi uống trực tiếp từ nước giếng, không qua nấu sôi mà vẫn đảm bảo sức khỏe, nước rất mát và ngọt, còn nay thì rửa cái chân cũng chịu không nổi vì muối rịn ra rít rịt. Chỉ một vùng nhỏ chưa đến 200m dọc theo tuyến Thanh niên ven biển mà có tới hàng trăm cái giếng công suất lớn hút nước ngọt ngày đêm để xả vào ao tôm thì nguồn nước ngọt đâu còn. Người nuôi bây giờ xăm tìm nước ngọt như tìm vàng, chỗ nào có mạch nước ngọt là khoan giếng hút sạch, những cái giếng bên cạnh đành… chết khô hoặc nhiễm mặn. Rứa mà đây là mùa mưa, mùa nắng tới thì nước ngọt càng khan hiếm”.
Khan hiếm nước sạch
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Nam - ông Trần Văn Tốt, việc nuôi tôm tại địa phương chưa đúng theo quy hoạch và chủ trương của huyện Thăng Bình, và phải cần rất nhiều thời gian mới có thể sắp xếp lại. “Quy định các hồ nuôi tôm phải cách khu dân cư tối thiểu là 50m, cách đê chắn sóng 30m. Nhiều lần địa phương xuống cắt điện, vận động người dân dừng ngay lại việc nuôi thả tự phát nhưng bị dân phản kháng. Vì thời gian thả tôm, xuất hồ của các hộ nuôi không trùng nhau nên rất khó để cấm cùng một lúc” - ông Tốt nói. |
Hai thôn Phương Tân và Vịnh Giang (xã Bình Nam, Thăng Bình) có tổng 350 hộ dân, nguồn nước sạch ngày một khan hiếm khiến nhiều người lo lắng. Để có nước phục vụ nấu nướng, nhiều gia đình phải dùng tới xô, thùng lọc nước tự chế, nhỏ giọt. Chị Trịnh Thị Thu (tổ 3, thôn Phương Tân) cho biết, hơn một năm kể từ khi chuyển tới sinh sống tại đây, gia đình chị thường trực nỗi lo việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm. “Mọi khi đi làm về sớm là tôi tranh thủ gánh nước giếng chỗ cách nhà 200m, còn về trễ thì dùng bình nước lọc 21 lít chuẩn bị sẵn để nấu ăn, đun nước chứ nước bơm lên có mùi tanh, đục không dùng được. Trong các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri, người dân chúng tôi đã kiến nghị đến vấn đề này” - chị Thu nói. Minh chứng cho lời mình nói, chị Thu mở vòi, dòng nước chảy ra vàng nhạt, xung quanh các khu vực bồn nước, nhà tắm đọng lại một lớp bám màu bã trầu, tẩy rửa không sạch.
Còn theo chị Nguyễn Thị Ba (cùng thôn Phương Tân), việc giặt giũ áo quần cho con cái khó trăm bề, phải đem đồ sang nhà người quen ở nơi khác giặt nhờ chứ dùng nguồn nước này, áo trắng đều chuyển sang màu vàng. “Tôi phải dùng thùng lọc nước tự chế, bỏ cát sạn, vải lưới trong đó để lọc và thấy nhiều tạp chất, váng cặn bám đọng nên rất bất an. Đến nay, nhà tôi đã đóng 3 cái giếng bơm quanh vườn nhưng chỗ nào nguồn nước cũng đều có một màu vàng giống nhau. Nếu cứ dùng nước đóng bình sẵn thì hàng tháng gia đình phải bỏ ra một số tiền không nhỏ” - chị Ba nói. Theo người phụ nữ này, vì sống bên cạnh các hồ nuôi tôm tự phát, quy trình xử lý nước thải không đảm bảo nên đã gây ô nhiễm mạch nước ngầm.
Việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Bình Nam phát triển tập trung ở hai thôn Phương Tân và Vịnh Giang với 33 hộ thả nuôi trên diện tích 14ha. Từ năm 2013, vì giá trị kinh tế, nhiều hộ đào đắp, cải tạo lại ao đìa để mở rộng diện tích nhưng không chú trọng đến công tác xử lý chất thải khiến môi trường bị ảnh hưởng, tác động đến cuộc sống dân sinh. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam khẳng định, nguồn nước tại hai thôn trên bị nhiễm mặn xuất phát từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. “Các hộ nuôi tôm này đều đóng một cái giếng để sử dụng nguồn nước ngọt. Chính vì khi bơm nước ngọt vào các hồ tôm, rồi thải nước ra không theo một quy trình nào cả nên đã xâm hại đến mạch nước ngầm. Tuần trước, địa phương phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình đi kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và kết luận nguồn nước tại các khu vực này đang bị nhiễm mặn” - ông Tốt nói. Về giải pháp khắc phục, ông Tốt cho rằng chỉ còn cách sắp xếp, bố trí lại các hồ nuôi tôm, đảm bảo nghiêm ngặt từng công đoạn; đồng thời buộc các hộ nuôi phải cam kết xây dựng các bể xử lý nước thải sinh học thì nguồn nước ngọt mới không bị xâm hại.
MINH ĐỨC - VĂN HÀO