Chuyện Bà Phô Thị
Lăng mộ Bà Phô Thị (Bình Tú, Thăng Bình) thờ liệt nữ vì nước quên mình, được xây dựng lâu đời và được người dân địa phương rất sùng bái. Chuyện của bà truyền tụng trong dân gian luôn mang nhiều sắc màu huyền bí…
Lăng miếu Bà Phô Thị. |
Bà Phô Thị chính danh là bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, còn có tên Nguyễn Thị Thái Dương, nguyên quán Gia Miêu, huyện Tống sơn, thừa tuyên Thanh Hóa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên thì được vua Lê Thánh Tông sắc phong “Phô Thị công chúa”. Công chúa Phô Thị là vợ của tả tướng Khắc vũ hầu Lê Thập (còn gọi Lê Công Quận hoặc Lê Đại Lang), nên văn bia tại lăng mộ của Lê Thập tại xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), có ghi là bà Phu nhân Nguyễn Thị Mười (Thập), và người đời bấy giờ quen gọi là bà Mười (cho đến ngày nay người đời vẫn thường lấy tên chồng để gọi thay chính danh). Trong cuộc thân chinh bình Chiêm mở cõi của vua Lê Thánh Tông vào ngày mùng Bảy tháng Giêng năm Tân Mão (1471), tướng Lê Thập chồng bà tham gia chỉ huy đạo tả quân, còn bà Phô Thị thì theo vua, phụ trách quân lương cho tiền tuyến.
Vào đầu tháng 2 năm 1471 khi đoàn thuyền vận chuyển quân lương của Đại Việt từ cửa Đại vào ngả Hội An, dọc theo Trường Giang, rẽ vào nhánh suối Ngọc Phô (một nhánh của sông Ly Ly chảy theo hướng đông nam nhập vào sông Trường Giang đổ ra biển tại khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành) thuộc địa phận xứ Phú Vinh, gặp phải quân Chiêm chặn đánh. Nhằm bảo toàn quân lương không để rơi vào tay giặc, bà Phô Thị đã dũng cảm xông pha trước hòn tên mũi đạn. Thế rồi, bà bị tử thương nơi cánh rừng (sau trở thành cánh đồng làng) cách bờ sông khoảng 300m. Sự dũng cảm và hy sinh của bà, tạo khí thế cho hùng binh Đại Việt xông lên quyết tử, phá tan quân Chiêm.
Tương truyền, sau khi hy sinh, bà rất hiển linh. Một đêm nọ, bà linh ứng mách bảo cho vua Lê Thánh Tông cùng thân phụ của mình rằng: quân Chiêm dưới quyền thống lãnh của Thân vương Trà Toại cùng các tướng Chiêm sẽ rút về Đồ Bàn qua ngả Thượng đạo… Vua Lê chợt tỉnh giấc liền sai tướng Nguyễn Đức Trung, đem 2 vạn quân bộ phục sẵn tại triền núi Mộ Nô (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Tiên phong tướng quân Lê Thế và Trịnh Văn Sái, hai hoàng tôn huynh đệ Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung cùng tả tướng Lê Thập, đem hơn 500 thuyền chiến và 3 vạn tinh binh chèo gấp vào cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đào hào đắp lũy, chặn đường rút lui của đại quân Chiêm từ Chiêm Động kéo về Đồ Bàn.
Ngày mùng Bảy tháng 2 năm 1471 vua Lê đích thân cho dựng cờ Thiên tử. Quân Chiêm sợ hãi cuống cuồng, mất nhuệ khí chiến đấu, hoảng sợ tan vỡ, chạy đến đâu cũng bị quân Đại Việt chặn đánh. Xác người, ngựa, quân tư trang bỏ lại đầy núi, đầy đường. Một đại tướng và 300 quân Chiêm chết trận, 60 quân bị bắt sống. Chiến thắng này đưa đến đại thắng chiếm kinh thành Đồ Bàn (1.3.1471).
Tưởng nhớ sự hy sinh cao cả và sự hiển linh của bà, vua Lê Thánh Tông sắc chỉ cho lập đền thờ tại nơi bà mất, và xứ Phú Vinh đông, được cải địa danh thành làng Phô Thị. Qua sự tích về công đức của bà, năm Gia Long thứ 4 Ất Sửu (1805), đền thờ bà được nhà vua cho tu sửa lại kiên cố hơn.
Lại có câu chuyện kể rằng: Đầu tháng 3 năm Canh Thìn (1820), khi đoàn voi ngựa của Tả quân Quận công Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt đi ngang qua địa phận của hai làng Phô Thị và Trà Long thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, thừa tuyên Quảng Nam (làng Phô Thị nay là đội 15 thôn Tú Phương, xã Bình Tú; làng Trà Long thuộc xã Bình Trung – cả hai đều thuộc huyện Thăng Bình); đoàn voi ngựa bỗng nhiên khựng lại, ngựa thì hí nhảy chồm hai chân trước lên, còn voi thì cắm vòi xuống đất. Quận công Lê Văn Duyệt trông thấy làm lạ, bèn rời bành voi bước xuống hỏi các bô lão trong làng. Sau khi được các bô lão địa phương cho biết cách đó 2.500m có ngôi đền thờ Bà Phô Thị và kể sự tích lai lịch về bà. Thế rồi, bằng sự cung kính, Quận công Lê Văn Duyệt chấp tay thưa rằng: “Thần là người đời sau, họ Lê, may tới nơi này, được bà Linh Nhân Thái Dương lại cũng vốn dâu nhà họ Lê, vợ của quan đầu tiên trấn thủ Thăng Hoa phủ, Quảng Nam đạo Lê Thập. Vì sơ suất thần xin chịu thất lễ kính với bà. Xin bà linh ứng cho đoàn voi ngựa của thần dun dủi, kịp ra kinh sư Phú Xuân dự lễ đăng quang của Hoàng đế. Xong lễ trở về, thần sẽ có bổn phận tôn tạo lại lăng miếu thờ Bà”.
Vào mùa thu năm 1820, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đã phái tùy tướng từ Gia Định ra Quảng Nam phối hợp với quan huyện Lễ Dương (phủ Thăng Bình) và dân hai làng trên dựng lại lăng miếu thờ bà có phần trang trọng hơn trước.
Khác với nhiều lăng miếu được xây dựng theo tín ngưỡng thờ Mẫu ở Quảng Nam thường được xây quay mặt ra sông; thì lăng mộ thờ bà dựng trên trục hướng tây bắc - đông nam. Là một trong những lăng mộ còn lưu lại khá nguyên vẹn lối kiến trúc thời nhà Nguyễn. Trên bàn thờ, ngoài hương án, bình hoa bằng sứ còn có hòm đựng sắc phong “Liệt nữ Dực Chấn linh nhân chi đẳng thần” (hiện nay không còn) và các vật thờ như: cái chang tóc, chiếc áo dài hạt mè, đôi hài cùng binh khí... Điểm đặc biệt nữa, là trong lăng mộ có thờ một chiếc “vỏ trấu”, biểu tượng lương thực chính của quân ta thời mang gươm mở cõi mà chính bà được giao phó đảm nhiệm này. Tháng 12.2013, lăng được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Lăng miếu bà quanh năm được hương khói. Những ngày rằm, mùng một... dân làng và Hội đồng gia tộc Võ Đức quản lý lăng mộ, chuẩn bị hoa quả, thắp nhang cho bà. Đồng thời nhằm ghi nhớ ngày 25.12.1470 năm Canh Dần (ngày bà theo vua Lê Thánh Tông từ cửa Thuận An theo hải trình Nam tiến), nhân dân địa phương chọn làm ngày tế lễ thường niên tại lăng miếu thờ bà.
XA VĂN HÙNG