Cõng chữ lên Tắk Tố
(QNO) - Nằm cheo leo, vắt vẻo giữa đại ngàn, điểm trường thôn 3 Tắk Tố - Trường tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don (Nam Trà My) còn đầy những khó khăn nhưng cả thầy và trò ở đây chưa bao giờ từ bỏ con chữ.
Điểm trường thôn 3 Tắk Tố tạm bợ giữa đại ngàn |
Xa ngái Tắk Tố
“Ngày trước, từ UBND xã Trà Don muốn lên nóc Tắk Tố phải mất cả ngày đường. Là những giáo viên từ miền xuôi lên nóc, chúng tôi phải đối mặt với biết bao nỗi lo sợ. Đầu tiên là sợ mấy con vắt dọc đường, vắt bám vào hút máu mình từ lúc nào không hay biết. Nhiều giáo viên không lên được tới nóc đã bỏ nghề” - thầy giáo Lê Văn Hùng, người đã có hơn 4 năm gieo chữ trên nóc Tắk Tố hồi nhớ lại. Giờ thì lên Tắk Tố đã dễ dàng hơn nhiều, nhưng với người miền xuôi thì đó quả là thử thách. Gửi xe máy ở nhà già Nguyễn Văn Liêm nằm trên đường quốc lộ 40B – căn nhà của già là điểm dừng chân của tất cả những ai muốn lên nóc Tắk Tố và cả người dân Tắk Tố từ trên nóc muốn đi xuống thị trấn Tắk Pỏ. Sắm cho mình một đôi giày mới có thể chịu được đường xa chông chênh đá, theo chân anh Hồ Văn Núi - Trưởng Trạm thú y xã Trà Don, tôi vượt dốc. Đặt bước chân đầu tiên, lòng đầy niềm vui được khám phá vẻ đẹp đại ngàn.
Xác định tâm thế trước, sẽ đi bằng tất cả sức lực mình có nhưng khi leo qua được quả đồi sừng sững ngăn đường vào Tắk Tố ngay trước nhà già Liêm, thiếu kinh nghiệm leo núi đã khiến tôi dần đuối sức. Một cảnh tượng không như tôi tưởng: con đường chỉ là lối mòn nhỏ, trơn trợt và gồ ghề. Đi mà không dám nhìn lại đằng sau, vì tôi sợ cảm giác choáng ngợp. Đoạn đường dài dốc nối dốc. Luồng đi dưới những cây đại thụ, cảm giác mát rượi nhưng cũng thấy con đường thêm thăm thẳm khi ngước lên chẳng thấy nóc Tắk Tố đâu mà chỉ thấy đỉnh núi chót vót trước mặt. Chừng hơn chục phút tôi lại gặp một phụ nữ cõng theo cái canh nhựa lớn từ trên nóc xuống. Theo lời anh Núi, họ xuống núi gùi rượu và thực phẩm cần thiết lên để dùng. Hai chặng dừng chân, sau hơn 3 giờ hì hục tôi cũng lên tới nóc Tắk Tố lúc 10 giờ hơn. Giữa sương mù bao phủ thấy tôi thở dốc, mồ hôi nhễ nhại, anh Núi cười động viên: “Lần đầu leo nóc như vậy là tốt rồi, trên đường đi mình cũng lo chuyện đi không nổi”.
Tâm tình giáo viên
Bản làng của người Ca Dong quanh năm chìm khuất trong sương núi cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, giữa khoảnh đồi trống nhô ra một căn nhà mái tôn lụp xụp, đó là điểm trường thôn 3 Tắk Tố. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Uyên với chất giọng dịu dàng đang giờ lên lớp. Cô giáo Uyên còn rất trẻ mà đã lên Tắk Tố gieo chữ đã hơn 1 năm nay. Nhớ lại những ngày đầu lên nóc, cô giáo chỉ cười nhẹ: “Khổ lắm. Nhưng ở suốt cũng quen. Dạy học xong, đi trồng rau quả để ăn, có khi dân cho miếng thịt rừng, lần hồi bữa no bữa đói”. Thầy cô dạy học và ăn ở luôn tại trường. Nơi đây do đường sá hiểm trở, không thể vận chuyển sắt thép, xi măng hay gạch ngói vào. Nên trường được người dân cùng thầy cô góp sức lên rừng chặt cây dựng nên. Chiếc giường cũng được ghép bằng vài ba mảnh gỗ. Những mùa mưa đã khiến ngôi trường xuống cấp trầm trọng, việc học tập, ăn ở của thầy trò vì vậy luôn gặp khó. Để có một chỗ ở tạm yên ổn giữa đại ngàn, giáo viên và phụ huynh học sinh còn phải cùng nhau sửa chữa không biết bao nhiêu lượt. Đặc biệt mùa mưa đến trường dột nát, tốc mái.
Các giáo viên gặp muôn vàn khó khăn khi ăn ở trong điểm trường được làm từ gỗ và nứa. |
Trưa, bữa cơm đãi khách của thầy cô nơi nóc Tắk Tố có rau rừng luộc, ít cá khô mà theo lời cô giáo Uyên là do người nhà gửi lên. Tôi thấy chút bối rối của các thầy cô khi tô canh mời chúng tôi được chế biến từ… hai gói mì ăn liền. “Ngày thứ Hai, thứ Ba chúng tôi được ăn thức ăn tươi mang từ thị trấn lên. Còn từ thứ Tư đến thứ Sáu lại ăn đồ ăn khô là con cá khô, măng khô, mì tôm... Tuần nào cũng vậy. Mùa mưa không xuống thị trấn mua thức ăn được thì toàn ăn thức ăn khô” - cô giáo Uyên tiếp lời. Còn biết bao gian nan khó khăn, cô Uyên khái quát dí dỏm như để phủ lấp nỗi gian khổ: “Ở nóc này, cái nghèo, chuyện sợ con ma... là bệnh toàn dân. Giáo viên bọn mình lên đây không sợ cũng phải sợ”.
Đêm trên nóc Tắk Tố, chỉ có tiếng côn trùng rả rích, dưới ánh đèn dầu leo loét, thầy Hùng dừng soạn giáo án, thâm trầm: “Thứ Bảy, Chủ nhật thầy cô mới xuống nóc. Những ngày mưa không xuống được thì ở luôn trên này. Nhớ vợ, thương con cũng đành chịu”. Bên kia vách gỗ, nằm bên tôi, khẽ cựa mình trên ván gỗ, cô Uyên thủ thỉ: “Mình mới đính hôn với chồng nhưng đã gần tháng nay vợ chồng mình chưa thấy mặt nhau. Hơi tủi thân nhưng bọn học trò nheo nhóc, hồn nhiên trên này là nguồn vui lớn”. Chọn nghề gieo chữ miền xa xôi như thế này là chấp nhận đơn độc như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu nhưng lắm trách nhiệm và kỳ vọng đè lên đôi vai. Với người giáo viên “cắm bản” dạy chữ vùng cao, chuyện gian nan, khó khăn nhiều vô kể.
Tại trường tiểu học Vừ A Dính các thầy cô ngày ngày vẫn nỗ lực giúp học trò nắn nót từng con chữ. Thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị không đủ, nên chất lượng dạy học cũng chẳng thể bằng dưới xuôi dù thầy cô đã hết lòng với học sinh của mình. Nỗi lòng của các thầy giáo, cô giáo dưới xuôi lên đây làm nỗi đau đáu không làm trọn vẹn sự nghiệp đem chữ lên non.
Tình học trò
Tháng 11, Tắk Tố giăng mờ ám ảnh của mùa đông. Đêm đại ngàn lạnh, chìm trong tiếng mưa ào ào xé. Nhưng rồi buổi sáng diễn ra thật yên bình ở cái nóc nhỏ này, sương mù đặc quánh giăng kín lối đi, học sinh vẫn đến lớp.
Dù khó khổ nhưng các học sinh ở Tắk Tố vẫn ham học. |
Điểm trường thôn 3 Tắk Tố có 3 lớp với 35 học sinh. Lớp 1 có 17 em, lớp 2 và lớp 3 phải học ghép lớp. Từ nóc trên xuống trường đi bộ nhanh phải mất 20 phút, mùa mưa đường trơn lại thêm khó. Nhưng lạ, dường như có một lực níu vô hình, các em nhỏ vẫn đều đặn duy trì sự hiện diện của mình ở ngôi trường tròng trành phênh tre, ván gỗ. Cô Uyên cười: “Học sinh ở đây ham học lắm. Ngủ dậy trễ các em cũng đi đến trường. Có em sợ cô phạt không dám vào lớp lại nhờ phụ huynh dẫn vào”. Học trò ở vùng cao, đứa nào cũng lem luốc. Mùa mưa đến trường là toàn thân ướt sũng, lạnh run… nhưng chỉ khi trẻ đau ốm mới chịu ở nhà. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, tiếng đọc bài của các em vang ấm, trong trẻo như tiếng con suối ngoài xa. “Sức học của trò mình không thể bằng với học trò miền xuôi được. Nhưng chúng tôi rất tin tưởng ở các em bởi các em có sự hiếu học và phụ huynh ở đây dù khó khổ vẫn đưa con đến trường học cái chữ” - cô giáo Võ Thị Ngân chia sẻ. Cô Ngân là người đồng bào Ca Dong, thế hệ đầu tiên ra khỏi rừng núi học tập và mang con chữ về nóc.
Ngày chúng tôi đến, bọn trẻ lên lớp có em mang theo vài trái cam, đu đủ… Cứ ngỡ là quà vặt, nhưng thấy bé gái chìa hai tay nhỏ xinh nói với cô Uyên: “Nhà con biếu thầy cô!”. Thật ấm lòng biết bao. Cô giáo Uyên cười: “Có miếng thịt rừng, ít cá hay măng rừng… bà con đều chia phần, bảo học sinh mang đến cho chúng tôi. Bà con đi rẫy về, có gì ngon cũng ghé vào biếu. Rồi thấy giáo viên thiếu gạo củi thì họ gùi đến cho”.
Ở nóc Tắk Tố này, cuộc sống mưu sinh hàng ngày đã quá đỗi gian truân. Người Ca Dong trên nóc Tắk Tố ít người biết con chữ, lâu ngày con chữ cứ chìm sâu vào những lớp mây mù, sương núi dày đặc ở xứ này. Nhưng họ ý thức được việc học cái chữ sẽ đem ánh sáng đến với gia đình, với bản làng của mình. Có cái chữ, đời sống của họ sẽ bớt mù mịt và tăm tối hơn. Từ những người già nhất cho đến trẻ em đều hiếu học, thương thầy, mến bạn, yêu con chữ. Nhớ lời anh Lê Xuân Hoàng - Trưởng thôn 3 xã Trà Don kể: “Trước đây, già Liêm là trưởng nóc Tắk Tố, già chuyển nhà từ trên nóc xuống tận mặt đường sống để người đồng bào mình thấy thế làm theo. Nhưng rời xa rừng núi, chuyển nhà xuống mặt đường là chuyện không hề đơn giản với đồng bào Ca Dong”. Chẳng thể nào khác, sinh kế của họ gắn với rừng già. Chỉ biết đặt niềm tin vào những mầm xanh chăm học. Và sự học, con chữ của con em dân làng dành hết hi vọng vào các thầy cô “cắm” nóc. Tắk Tố là nơi xa nhất của xã Trà Don, nơi không có điện lưới quốc gia, không có tiếng ồn ào nhộn nhịp của đô thị. Chỉ có sương mù bãng lảng, nơi có những học trò đen nhẻm nhưng hồn nhiên yêu con chữ, có lòng người giáo viên tràn ngập yêu thương.
HỒNG NHÂN