Thành Điện Hải

KHÁNH LINH 22/11/2014 10:07

Là một di tích lịch sử quan trọng của Đà Nẵng, thành Điện Hải (số 24 Trần Phú, Đà Nẵng) được biết đến như là một công trình kiến trúc quân sự thời Nguyễn duy nhất còn lại của thành phố.

Đài Điện Hải được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1813 dưới thời vua Gia Long thứ 12. Ban đầu đài được đắp bằng đất nằm ở tả ngạn sông Hàn, gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823, vua Minh Mạng cho dời Điện Hải vào một gò đất cao trong đất liền cách nơi cũ khoảng 200m và xây lại bằng gạch. Đến năm 1835 Minh Mạng thứ 15 đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1847 Thiệu Trị thứ 7, thành Điện Hải được mở rộng theo kiến trúc hình vuông, kiểu thiết kế Vauban, chu vi rộng 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía nam (cửa chính) và một cửa mở về phía đông; trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Ngày nay, ngoài 2 bức tường thành phía tây, đông và các góc còn tương đối nguyên vẹn, phần lớn kiến trúc đã bị hư hại nhiều. Quá trình khai quật vào các năm 2005, 2008 đã phát hiện khoảng 10 khẩu súng thần công (trong số 30 khẩu súng được vua Thiệu Trị trang bị cho thành năm 1847), đây là những vũ khí mà gần 160 năm trước đã giúp danh tướng Nguyễn Tri Phương đánh lui hàng chục đợt tấn công của quân Pháp ngay tại cửa sông Hàn.

Năm 2011, Bảo tàng Đà Nẵng được xây mới trên khuôn viên của thành Điện Hải xưa với diện tích trưng bày hơn 3.000m2 gồm 3 tầng cùng khoảng 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của TP.Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Đặc biệt, không gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế theo từng nội dung chuyên đề cụ thể như sưu tập về Đà Nẵng thời tiền - sơ sử; đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng; Nông nghiệp cổ truyền; các nghề thủ công tiêu biểu của thành phố; chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn có phòng trình chiếu các bộ phim tư liệu về lịch sử, văn hóa và xã hội của Đà Nẵng…, trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến Đà Nẵng.

Đến tham quan thành Điện Hải, du khách không chỉ được nhìn ngắm một công trình kiến trúc, lịch sử cấp quốc gia mà còn được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật quý hiếm với niên đại hàng nghìn năm tuổi đang được trưng bày tại bảo tàng. Đặc biệt, qua những tư liệu và vết tích vẫn còn in dấu trên bức tường thành đã phủ màu rêu phong sẽ giúp du khách hiểu hơn về lịch sử của xứ Quảng cùng những thăng trầm mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong những năm cuối của thế kỷ 19 cùng tiến trình tồn tại và phát triển của mình.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH