Nhật Bản đối phó với suy thoái kinh tế
Thông tin được cộng đồng quốc tế, nhất là người dân Nhật quan tâm là nền kinh tế của đất nước “mặt trời mọc” bất ngờ rơi vào tình trạng suy thoái.
Vào đầu tuần này, Chính phủ Nhật Bản thông báo nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) chính thức rơi vào suy thoái, sau hai quý giảm liên tiếp. Theo số liệu được đăng tải trên nhật báo Wall Street Journal (Mỹ), GDP của Nhật Bản quý 3 co cụm với tỷ lệ tính theo năm là 1,6%, sau khi tuột dốc 7,3% trong quý 2. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc tăng thuế tiêu thụ (còn gọi là thuế tiêu dùng) được áp dụng kể từ ngày 1.4.2014 từ mức 5% lên 8% đã đẩy nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái. Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo Nhật Bản Shinzo Abe lập tức tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu thụ lần hai (tăng 10%) dự kiến áp dụng vào năm 2015. Như vậy, tăng thuế tiêu dùng cộng với giá trị đồng yên Nhật bị phá giá đã làm cho các mặt hàng nhập khẩu tăng vọt, làm đời sống người dân trung lưu khó khăn, sức mua của dân sụt giảm.
Người dân Nhật đang chờ đợi tín hiệu kinh tế lạc quan. |
Vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe trở lại chính trường Nhật đồng thời tung ra chính sách kinh tế Abenomics gồm “3 mũi tên”: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng nhằm vực dậy nền kinh tế Nhật. Trong đó, “mũi tên thứ hai” là chính sách dùng ngân sách quốc gia đầu tư ồ ạt đã mang lại kết quả tốt đưa Nhật ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong 20 năm. Thế nhưng, đứng trước khó khăn hiện nay, chính sách Abenomics tạm thời được hoãn lại. Thủ tướng Nhật cùng lúc tuyên bố giải tán Hạ viện vào ngày 18.11 vừa qua để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm với hy vọng khôi phục và theo đuổi chính sách kinh tế của mình. Bằng chứng là Thủ tướng Abe cho biết sẽ không bỏ kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lần hai mà sẽ được dời sang tháng 4. 2017.
Tuy nhiên, ngày hôm qua (20.11), Bộ Tài chính Nhật loan báo một tín hiệu rất tích cực và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Nhật Bản. Số liệu thống kê cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10 đã giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu tháng 10.2014 của Nhật tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 9, xuất khẩu của Nhật cũng tăng khá mạnh ở 6,9%. Như vậy, thâm hụt thương mại tháng 10 của Nhật giảm còn 719 tỷ yên (tương đương 6 tỷ USD) từ 958,3 tỷ yên của tháng, tức giảm 35,5% so với mức 1.100 tỷ yên của tháng 10.2013. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt dự báo 1,05 nghìn tỷ yên của chính phủ. Do vậy, các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng, xuất khẩu tăng tốc, thâm hụt thương mại giảm mạnh là tín hiệu khá tích cực đối với Thủ tướng Shinzo Abe và chính quyền của ông trong đầu quý 4. Không dừng lại đó, các chuyên gia kinh tế Capital Economics - công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô độc lập hàng đầu thế giới, nhận định thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, một phần do chi phí cho nhập khẩu nhiên liệu - gánh nặng đối với nền kinh tế Nhật Bản sẽ giảm.
NAM VIỆT